Sau một thời gian dài làm mưa làm gió, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã không còn nắm thế chủ đạo trên HSX và HNX. Chính sự kém sắc của nhóm này đã khiến cho màu đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, đồng thời cũng làm cho nhiều nhà đầu tư trở nên dè dặt, giao dịch trên các sàn vì thế cũng giảm dần sự sôi động, dù diễn biến của thị trường chưa đến mức phải bi quan. Dòng tiền đang chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý III được đánh giá là tích cực.
Kể từ đầu tháng 10, VN-Index gần như đi ngang trong vùng giá cao, với những phiên tăng giảm điểm xen kẽ và có biên độ khá hẹp. Nhiều người cho rằng đây là tín hiệu tích cực bởi nó cho thấy xu hướng tăng tiếp tục được bảo toàn. Những thông tin hỗ trợ vẫn đều đặn đến với thị trường chứng khoán, sau động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại – điều sẽ khiến cho dòng vốn giá rẻ đến với nhà đầu tư dễ dàng hơn – là sự bày tỏ quyết tâm và cam kết của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Sự lạc quan về một tương lai tươi sáng khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn tự tin đề ra bản kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Ngoài ra, giá cả một số hàng hóa, nguyên liệu cơ bản vẫn trong xu hướng tăng, sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của các công ty niêm yết liên quan. Rõ nhất, giá dầu thế giới đã có tuần tăng giá thứ năm liên tiếp kể từ khi các nhà cung cấp đạt được thỏa thuận “đóng băng” sản lượng. Như vậy, giá dầu vẫn đang ổn định trên vùng giá 50 USD/thùng – một mức “chấp nhận được” với các công ty liên quan đến dầu khí.
Tuy nhiên, việc VN-Index cứ lên lên xuống xuống trong quãng thời gian dài cũng là “điểm trừ” vì nó chứng tỏ lực cầu chưa đủ mạnh để giúp chỉ số chạm mốc 700 điểm. Điều này cũng bởi đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn – chiếm tỷ trọng cao trong VN-Index có vẻ đã hết đà sau một nhịp tăng khá mạnh. Đó là chưa kể sự xuất hiện của “ngôi sao sáng” ROS trong giai đoạn vừa qua. Dù mới lên sàn từ đầu tháng 9 và chưa có kết quả kinh doanh gì nổi bật, cổ phiếu này đã trở thành “hàng nóng”, tăng hơn sáu lần giá trị trong chưa đầy hai tháng. Giao dịch của khối ngoại cũng là yếu tố không ủng hộ cho đà tăng của chỉ số. Sau tuần mua ròng với yếu tố đột biến CII, nhà đầu tư nước ngoài lập tức trở lại trạng thái bán ròng, đối tượng là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, chứng tỏ họ đang toan tính khá ngắn hạn. Không chỉ vậy, khối lượng mua vào – bán ra của khối ngoại cũng giảm mạnh so với trước, góp phần vào sự suy giảm của thanh khoản chung. Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần và khả năng lãi suất đồng USD sẽ tăng vào cuối năm là những lý do quan trọng khiến cho khối ngoại tỏ ra thận trọng trong giai đoạn hiện nay. Thị trường không thể kỳ vọng vào sự thay đổi trạng thái của khối ngoại, nếu không muốn nói là cần phải dè chừng trước việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Với diễn biến như vậy, VN-Index có lẽ sẽ rất khó có thể bứt khỏi vùng giá hiện tại.
Việc khối ngoại giảm tần suất giao dịch cũng đồng nghĩa với việc các cổ phiếu bluechip và cơ bản – vốn là “món yêu thích” của họ – cũng trải qua những phiên giao dịch trầm lắng. Chưa kể, để thực sự “bứt tốc” về giá, các cổ phiếu phải phản ánh được sự thăng hoa trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mà theo dự báo, lợi nhuận chín tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết chưa công bố hầu như không tăng so với cùng kỳ. Vì vậy, khi các doanh nghiệp này công bố thông tin trong những ngày tới, sẽ ít có khả năng làm xáo trộn thị trường.
Ngọc Khang (DNSGCT)