Ngày 30/11 – DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2021 (DHL Global Connectedness Index 2021 – GCI 2021).
Trong lần phát hành thứ 10, báo cáo thường niên này đưa ra những phân tích mới mẻ về tác động của đại dịch lên toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người. Mặc dù các xu hướng của các dòng chảy khác nhau, nhưng nhìn chung các chỉ số trước đó có sự giảm nhẹ vào năm 2020 đã tăng trưởng trở lại trong Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL năm nay. Tuy nhiên, những thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại đã chỉ ra nhiều điểm yếu cần được cải thiện trong tương lai.
Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express, cho biết: “Nhiều người lo sợ rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình toàn cầu hóa. Chúng tôi đã phân tích các dòng chảy quốc tế khác nhau trên toàn thế giới trong nhiều năm và sau 1,5 năm xảy ra đại dịch, giờ đây chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng: đại dịch không khiến toàn cầu hóa sụp đổ. Sau sự sụt giảm ban đầu vào năm 2020, Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL đã tăng trở lại trong năm nay. Thương mại đã trở thành điểm tựa cho các quốc gia trên thế giới, trong đó, DHL Express đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phân phối vắc-xin đến thương mại điện tử”.
Đại dịch đã tác động đến dòng chảy quốc tế về thương mại, nguồn vốn, thông tin và con người theo nhiều cách khác nhau
Sau khi có sự sụt giảm ở thời điểm bắt đầu đại dịch, thương mại hàng hóa đã phục hồi vượt mức trước dịch vào gần cuối năm 2020. Thương mại hàng hóa toàn cầu cũng đã thiết lập kỷ lục mới vào năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thậm chí còn thu hẹp nhiều hơn so với năm 2020, nhưng cũng đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong năm 2021. Dòng chảy dữ liệu quốc tế tăng mạnh trong năm 2020 vì có sự chuyển đổi từ tương tác trực tiếp sang trực tuyến, nhưng điều này cũng không thể cải thiện được độ chậm trễ trong việc toàn cầu hóa của dòng chảy thông tin. Sau cùng, dòng chảy quốc tế về con người bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch, và hiện đang dần có sự hồi phục. Ngành du lịch của thế giới sụt giảm 73% vào năm 2020 nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2021.
Ông Steven A. Altman, Học giả Nghiên cứu Cấp cao, kiêm Giám đốc phụ trách Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết: “Sự phục hồi của các dòng chảy toàn cầu là tín hiệu tốt vì một thế giới kết nối sẽ mang đến những triển vọng nổi bật cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững từ đại dịch Covid-19. Khi khủng hoảng diễn ra, nhiều người trong số chúng ta cảm thấy cần hạn chế di chuyển. Nhưng khi thách thức càng khắc nghiệt thì việc thu hút những ý tưởng và nguồn lực trong và ngoài nước càng trở nên cấp thiết.”
Ông Ken Lee, Tổng Giám đốc DHL Express châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ: “Sự bứt phá mạnh mẽ của dòng chảy thương mại toàn cầu và tình hình phục hồi kinh tế hiện tại đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của khu vực Châu Á trong năm 2021 được dự đoán sẽ tăng lần lượt là 14.7% và 9.4% so với năm 2019. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) một khi bắt đầu có hiệu lực vào tháng 01/2022 sẽ góp phần rất lớn cho sự kết nối toàn cầu, phục hồi kinh tế và mang đến sự thịnh vượng cho khu vực. Giữa bối cảnh thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, cam kết của chúng tôi về việc đầu tư 750 triệu euro để củng cố cơ sở hạ tầng mặt đất và mạng lưới hàng không của châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2020 đến 2022 sẽ là cơ sở để chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ logistics, đồng thời hỗ trợ khách hàng trong công cuộc mở rộng sự hiện diện của họ đến nhiều nơi hơn nữa trên thế giới”.
Giao thương toàn cầu đã có sự gia tăng đáng kể ngay từ giữa năm 2020, vượt xa những dự báo ban đầu, ngay cả khi cơ cấu hàng hóa giao dịch có nhiều sự thay đổi hơn bình thường. Sự trao đổi hàng hóa dùng trong công tác chống dịch tăng vọt, khác hẳn với tình hình thương mại đình trệ của các mặt hàng khác. Trái ngược với những dự đoán trước đây rằng mậu dịch khu vực sẽ “lên ngôi” trong bối cảnh dịch bệnh, bình quân trong năm 2020 thương mại hàng hóa đường dài vẫn chiếm ưu thế. Dữ liệu về dòng chảy vốn, thông tin và con người cũng không cho thấy dấu hiệu của việc chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa.
Trong khi đó, các nước nghèo nhất thế giới vẫn đang tụt lại phía sau trên hành trình phục hồi của toàn cầu hóa. Ngay cả khi thương mại toàn cầu đã ghi nhận những con số kỷ lục từ đầu năm 2021, các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất thế giới lại có mức giao dịch thương mại thấp hơn so với năm 2019. Tương tự, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước có thu nhập thấp cũng giảm trong cùng thời điểm, trong khi con số này ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao lại tăng đáng kể. Các quốc gia nghèo trên thế giới đang dần mất kết nối nghiêm trọng, và sự kết nối mạnh mẽ với thế giới có thể giúp họ phục hồi tốt hơn sau đại dịch.
Báo cáo đặc biệt chỉ ra những bài học từ việc phân tích Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL trong suốt 10 năm
Trong một báo cáo đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm công bố Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL, DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York đã nhấn mạnh tầm quan trọng giữa sự thịnh vượng và tính kết nối toàn cầu. Theo đó, báo cáo này chỉ ra cách các nhà hoạch định chính sách có thể tác động đến sự kết nối của quốc gia mình. 5 lĩnh vực chính giúp cải thiện chỉ số kết nối quốc gia bao gồm: hòa bình và an ninh, môi trường kinh doanh trong nước hấp dẫn, sự mở cửa cho dòng chảy quốc tế, hội nhập khu vực và hỗ trợ xã hội. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh hấp dẫn trong nước có thể thúc đẩy chỉ số kết nối toàn cầu tốt hơn cả các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa truyền thống.
Báo cáo cũng phân tích 5 quốc gia có kết quả ấn tượng về khả năng cải thiện và kết nối mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua bao gồm Mexico, Hà Lan, Cộng hòa Sierra Leone, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam. Các quốc gia này áp dụng những phương thức khác nhau để gia tăng mức độ kết nối, cho thấy không có một mẫu số chung cho tất cả, mà mỗi nước nên lựa chọn cơ hội quốc tế phù hợp nhất với bối cảnh của mình.
Mặc cho sự bùng phát dịch COVID-19 gần đây, Việt Nam đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và sản xuất. Khả năng phục hồi của Việt Nam đối với các tác động của đại dịch vào năm 2020 cho thấy Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng. Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 2,9% vào năm ngoái và giá trị xuất khẩu tăng 28,4% trong nửa đầu năm 2021 so với một năm trước đó, khiến quốc gia này trở thành một câu chuyện thành công kinh tế hiếm hoi trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Lợi thế có vị trí địa lý gần Trung Quốc và nằm dọc theo các tuyến đường vận chuyển trong khu vực cùng sự kết nối quốc tế mạnh mẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Những cơ hội lớn chưa được khai thác
Cả hai báo cáo đều chỉ ra cách thế giới duy trì mức toàn cầu hóa cao kỷ lục mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đồng thời, báo cáo cho thấy toàn cầu hóa vẫn bị hạn chế vì có nhiều cơ hội lớn mà các quốc gia và doanh nghiệp chưa thể khai thác. Hầu hết các hoạt động kinh doanh diễn ra trong nước và các dòng chảy thương mại xuyên biên giới chủ yếu là giữa các quốc gia láng giềng với nhau. Trong thời gian tới, xu hướng chính vẫn là thu hút các cơ hội lớn thông qua khả năng kết nối mạnh mẽ với thế giới.
Về Báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL
Báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL đo lường mức độ toàn cầu hóa thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người. Chỉ số đo lường mức độ kết nối toàn cầu của mỗi quốc gia được căn cứ trên quy mô các dòng chảy quốc tế so với quy mô của nền kinh tế quốc nội (“chiều sâu”) lẫn mức độ mà quốc gia đó phân phối các dòng chảy quốc tế trên khắp toàn cầu (“chiều rộng”). Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL được thống kê dựa trên hơn 3,5 triệu điểm dữ liệu về dòng chảy giữa các quốc gia trong giai đoạn từ 2001 đến 2020.