Câu thơ của nhà thơ đời Sơ Đường TQ Lư Chiếu Lân (663-689): “Chỉ mộng uyên ương chẳng mộng tiên”, mặc dù ngàn năm đã trôi qua, uyên ương đã trở thành biểu tượng kiên trinh thủy chung của tình yêu. Nhà thơ Hồng Lĩnh trong bài Đôi uyên ương cũng nói lên điều mơ ước cao đẹp đó:
Đúng là mộng đẹp Uyên Ương
Bên nhau thắm sắc tình thương dâng đầy
Hoa nồng hương ngát tô xây
Khát khao tình cảm đêm ngày bên nhau.
Biểu tượng ngàn thu
Uyên ương là loài chim cảnh nổi tiếng, thuộc họ Vịt nhưng khác chi, tên khoa học là Aix galericulata, tên tiếng Anh là Mandarin duck, có nghĩa là “vịt quan TQ”, xếp thứ 10 trong 10 loài chim đẹp nhất thế giới. Con trống gọi là “uyên”, mỏ đỏ màu vỏ quýt, đôi cánh có lông cong lên hình cánh buồm, đầu đội nón lông sặc sỡ, lông cổ ngũ sắc; con mái gọi là “ương”, thể hình nhỏ hơn, sắc lông nâu, điềm đạm trang nhã, tuyệt không có ý trêu ong ghẹo bướm.
Uyên ương là chim di cư, giỏi cả bơi và bay. Nước ta không có uyên ương hoang dã, chỉ có thể ngắm chúng trong sở thú. Uyên ương trong sở thú đã bị cắt gãy đoạn xương cánh, nên tuy chúng được cung phụng cao lương mĩ vị nhưng mất khả năng tung cánh trời cao.
Danh thần cuối đời Minh có thơ vịnh rằng (Lữ Khách tạm dịch):
Kim môn thành ngoại liễu như sương,
Cô gái hái sen nỗi vấn vương,
Tay ngọc chèo thuyền tung váy tía,
Vung mái nô đùa với uyên ương.
Dường như nơi nào có nước mà thiếu uyên ương thì kém hẳn ý thơ.
Uyên ương ấp ủ bên nhau, đã trở thành đề tài vĩnh hằng của nhà thơ. Trong tiếng Hoa hiện đại, “uyên ương lữ” chỉ vợ chồng gắn bó keo sơn; “gối uyên ương” chỉ chiếc gối dài dành cho vợ chồng; “lầu uyên ương” chỉ những căn phòng cho thuê dành cho vợ chồng đêm động phòng; nhà văn Kim Dung có pho truyện Uyên ương đao; trong pho truyện Hồng lâu mộng, có đoạn chàng Liễu Tương Liên khi hứa hôn với Vưu Tam Thư, đã dùng đôi “uyên ương kiếm” làm vật định tình… đều liên quan đến tình yêu nam nữ. Thái Lan có trò sona gợi dục, người Hoa gọi vòng vo là “uyên ương hí thủy” (uyên ương vờn nước), nghe có vẻ thi vị, còn người Mỹ gọi thẳng thừng là sex bath. Trong món ăn Tứ Xuyên có món “lẩu uyên ương” gồm 2 ngăn màu đỏ (cay) và trắng (không cay), đã hoàn toàn thoát khỏi khuôn sáo tình yêu.
Nhà thơ đời Đường có câu “Tháng ba hoa nở ngát hương/ Giao nhau xoáy cổ, đó là uyên ương”, đã trở thành lời chúc tụng có tiếng. Kỳ thực, uyên ương tuy cặp kè bên nhau, nhưng không hề xoáy cổ với nhau. “Giao nhau xoáy cổ” là cò trắng, trong thời kỳ động dục chúng cũng như hình với bóng. Cổ chúng vừa dài vừa mềm, có thể xoáy trọn 1 vòng, tạo thành “nút thắt tình yêu” có một không hai.
Những địa danh nổi tiếng về uyên ương
Cách TP Đông Hưng 6km, gần biên giới Việt-Trung, thuộc tỉnh Quảng Tây TQ, chạy xe 10 phút là tới khu du lịch đầm Uyên Ương. Tương truyền ngày xửa ngày xưa, có 2 thanh niên, nam nữ yêu nhau, nam tên là Giang, nữ tên Na. Hai người kết bè phiêu bạc trên sông biên giới Bắc Luân, bỗng dưng sấm chớp đùng đùng, nước sông cuồn cuộn, bè bị lật úp, 2 người bị thất lạc. Họ giãy giụa dưới nước, gọi tên nhau một cách vô vọng.
Bỗng dưng, nơi họ giãy giụa hình thành 2 cái đầm, họ mới thoát khỏi kiếp trôi sông. Đôi thanh niên đại nạn không chết, đã lên bờ chọn “1 túp lều tranh, 2 trái tim vàng”, thành gia lập nghiệp, sinh con đẻ cái. Ngày này qua ngày khác, tại đây đã hình thành 1 xóm quy mô, được đặt tên là xóm Giang Na, để kỷ niệm mối tình chung thủy; 2 cái đầm gần đó cũng được gọi là đầm Uyên Ương.
Ngày nay, ngôi nhà tranh Giang-Na năm xưa đã trở thành resort, để du khách trải nghiệm “mộng uyên ương”. Du khách có thể lên “lầu uyên ương” xây bằng tre nứa, phóng tầm mắt nhìn cảnh đẹp từ xa: con sông biên giới uốn khúc, 2 bờ cây cỏ um tùm, non xanh nước biếc, sương khói mù mịt, chẳng khác gì bức tranh thủy mặc. Du khách có thể đi du thuyền trên sông biên giới, thể nghiệm Giang-Na ngày xưa trôi dạt trên sông. Từ phía Việt Nam, cũng nhìn thấy cảnh đẹp đầm Uyên Ương.
Ở huyện Bình Nam, Phúc Kiến, Trung Quốc, có một con suối tên là Uyên Ương. Ở đó, núi xanh nước biếc, mỗi năm có vô số những con uyên ương đến tránh đông, nhưng mấy năm gần đây số lượng những con uyên ương đến đây giảm dần. Hiện nay, đảo Uyên Ương đã vắng vẻ, thưa thớt, du khách tham quan chưa chắc gặp được chúng. Uyên ương cần con người trân trọng bảo vệ, nên đã được TQ xếp hạng “động vật nguy cấp” bậc II.
Uyên ương có phải đôi bạn trăm năm không?
Người xưa quan sát thiếu tỉ mỉ, nên nhà thơ đời Đường TQ Mạnh Giao có thơ rằng: “Ngô đồng cùng thủ tiết/ Uyên ương chết có đôi”(?). Ngày nay, các nhà động vật học đã chứng minh, uyên ương là loài chim thay lòng đổi dạ, chỉ trong thời gian “trăng mật” chúng mới quấn quýt bên nhau, và chỉ dăm ba tháng là “đường ai nấy đi”. Bất kể con trống hay con mái, đều đi kiếm bạn tình mới. Bộ mặt uyên ương con nào cũng giống con nào, nên người ta cứ tưởng 2 con bắt cặp với nhau thế nào cũng là “vợ chồng”, đâu có biết chúng đã “đổi vợ đổi chồng” như thay áo, là hiện tượng “chung sống tạm bợ”.
Khác với các loài chim có bạn tình cố định như bồ câu, cò, diệc, thiên nga, chim én, con trống và con mái cùng ấp trứng nuôi con. Trong quá trình sinh sản, uyên ương mái phải chịu trách nhiệm đẻ trứng, làm tổ, chăm sóc uyên ương non. Thậm chí, trong thời kỳ ấp trứng, uyên ương mái cũng phải tự mình ra ngoài tìm thức ăn. Mặc dù uyên ương trống có thể bảo vệ con mái và trứng của mình trong thời gian ấp trứng, nhưng bản thân nó không ấp trứng và bỏ đi, trước khi trứng nở. Uyên ương non từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành chẳng bao giờ được gặp bố cả.
Loài chim “chung tình” thực sự là thiên nga, khi 1 trong 2 con chết, con còn lại đứng trang nghiêm tưởng niệm suốt ngày, không nỡ bỏ đi và cũng không có chuyện “tái giá” (hoặc “tục huyền”). Chim cánh cụt ở Nam cực cũng chung sống và nuôi con với nhau trọn đời.
Nếu vợ chồng mới cưới biết được uyên ương lão luyện tình trường, những lời chúc tụng “uyên ương tình bền”, “uyên ương giao cổ”… chẳng hóa ra trào lộng?
Loài người đã dùng tình cảm của mình gán ép cho uyên ương, nhưng chúng dường như chẳng quan tâm gì điều đó, vẫn ấp ủ bên nhau, làm theo ý mình. Nếu chúng có văn tài, thế nào cũng thốt lên: “Chẳng quản trời đất dài lâu, chỉ cần từng có bên nhau” (mượn lời Quỳnh Dao)!