Chè chén có nghĩa là nước chè bán từng chén. Chè pha sẵn trong ấm, ủ trong dành tích, một thứ nước màu nâu chan chát dìu dịu. Nhớ thời sinh viên những năm đầu thập niên 1970, cơm nhà bếp chẳng có gì, lúc nào cũng vơi nửa một, nước uống để ở cửa nhà bếp là nước gạo rang pha loãng toẹt lúc nào cũng có mùi nước rửa bát, thành ra ăn cơm xong mà được một chén nước chè như thế quả là điều đáng mơ ước với chúng tôi.
Ngày ấy, uống nước chè ăn chè lam xem ra có lý hơn cả. Những miếng chè lam ép mỏng cắt ra từng miếng vuông vuông bằng hai đầu ngón tay đen xì xì, lốm đốm trắng, khô như miếng da giày, nhai mãi mới hết, vừa có cái ngọt của đường, cái ngậy của lạc, bột ngô, vừa có vị thơm cay của gừng. Lại một anh chàng tỏ ra sành điệu cầm miếng chè lam gõ gõ vào chiếc lọ thủy tinh hoặc lên cái mặt bàn gỗ đen xỉn, để cho bột ngô bám quanh chiếc kẹo rơi ra, trước khi từ tốn cắn một miếng, vừa nhai vừa chiêu một ngụm nước chè.
Những quán nước chè như vậy có ở khắp mọi nơi trong thành phố Hà Nội, cái thì phơi ra giữa vỉa hè, cái thì thu vào trong một căn nhà nhỏ. Về sau ở các tỉnh thành miền Bắc cũng có, nhưng không đâu có mật độ dày đặc, có vẻ xuềnh xoàng và kỳ bí như những quán nước chè ở Hà Nội. Bây giờ đời sống cao hơn gấp bao nhiêu lần trước đây, có nhiều thứ giải khát khác nhau nhưng sự đông đúc của các quán nước chè vẫn không hề giảm. Hình như Hà Nội mở ra đến đâu là quán nước chè mọc ra đến đó, bắt đầu là cùng với các công trình xây dựng sau sinh sôi nẩy nở thêm khi các nhà cao tầng biến thành khu dân cư. Những cái quán cũng như ở thế kỷ trước: một cái ấm ủ trong dành tích, vài cái chén, mấy bao thuốc lá, mấy cái lọ kẹo và thêm nữa thứ không thể thiếu được là một cái điếu cày. Có khác đi một chút là thuốc lá bây giờ là thuốc lá có đầu lọc, thêm mấy thanh kẹo cao su, mấy chai La Vie…
Nam Hồng