Năm 1950, ngành du lịch toàn cầu chỉ ghi nhận được 25 triệu du khách. Qua những thập niên sau, cùng với sự thịnh vượng chung của đời sống kinh tế và những tiến bộ vượt bậc về vận chuyển, khoa học kỹ thuật, lượng du khách tăng theo một nhịp độ ngày càng nhanh: 278 triệu lượt người năm 1980; 528 triệu lượt người năm 1995; 1.017 triệu lượt người năm 2013 và 1.138 triệu lượt người năm 2014. Số lượng du khách toàn cầu năm 2014 tăng 4,7% so với năm 2013. Những thành tích đó đã khiến du lịch trở thành động lực chủ yếu cho các tiến bộ kinh tế – xã hội trên thế giới.
Theo nhận định mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới LHQ (UNWTO), khối lượng hoạt động du lịch hiện đang ngang bằng, thậm chí vượt qua các hoạt động xuất khẩu, sản xuất thực phẩm hay ôtô. Ngành du lịch trở thành một trong những thành phần quan trọng tham gia vào thương mại quốc tế và là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều nước đang phát triển. Sự tăng trưởng này diễn ra đồng thời với sự đa dạng hóa và sự cạnh tranh giữa các quốc gia cần thu hút du khách quốc tế, mang lại những thuận lợi về kinh tế và nhân dụng ở nhiều lĩnh vực, từ xây dựng đến nông nghiệp và viễn thông. Còn theo Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC), ngành du lịch đã đóng góp 9,5% vào tổng GDP toàn cầu (7 ngàn tỉ USD), với tốc độ phát triển nhanh hơn nhiều ngành quan trọng khác như dịch vụ tài chính, thương mại, vận chuyển và sản xuất. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang khuyến khích việc đầu tư vào du lịch, coi đó là động lực cho những tiến bộ về kinh tế – xã hội thông qua doanh số xuất khẩu, tạo nên công ăn việc làm và phát triển hạ tầng cơ sở. UNWTO dự báo trong năm nay, lượng du khách quốc tế sẽ tăng 3 – 4%, những nơi phát triển mạnh nhất sẽ là châu Á và Mỹ, dự kiến tỷ lệ gia tăng 4 – 5%.
Một kết quả nghiên cứu do Hội đồng Du lịch Singapore kết hợp với Công ty Visa and Mc Kinsey & Co. tiến hành cũng cho thấy trong 10 năm tới đây, số du khách châu Á chiếm 1/4 dân số châu lục này và các khoản chi của họ trong hoạt động du lịch sẽ tăng 1,6 lần, lên 340 tỉ USD. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những biến chuyển theo chiều hướng tích cực của nền công nghiệp không khói, chủ yếu tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ góp phần nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu từ 3% vào năm 2013 lên 3,4% vào năm 2014.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)