Các nền kinh tế châu Âu vẫn thể hiện những dấu hiệu suy yếu. Trong khi tại nước Anh, cuộc suy thoái lần thứ hai trong ba năm qua đã ảnh hưởng sâu hơn đến đời sống dân chúng thì tình hình kinh doanh tại Đức cũng xấu đi. Sự suy yếu này tạo thêm áp lực đối với Tây Ban Nha và Ý, vốn đang cố gắng tránh đi theo “con đường đau khổ” mà Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã lâm vào. Tình hình này cũng tạo áp lực đối với các nước khác trong khối Eurozone vì họ có thể được yêu cầu tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những người bạn láng giềng của mình.
Sự sụt giảm sản lượng tại Anh (-0,7% trong quý II và trước đó là -0,3% trong quý I) được xem là “quá đáng”, mà giảm nhiều nhất là các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sau gần hai năm thực hiện các biện pháp khắc khổ, nước Anh đang chịu ảnh hưởng của sự suy thoái trong Eurozone vì Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Tại Đức, lòng tin trong kinh doanh sụt giảm gần như ở mọi lĩnh vực, nặng nề nhất là trong ngành chế tạo và thương mại, vốn là hai động lực của nền kinh tế nước này. Triển vọng của ngành dịch vụ cũng mờ mịt, khiến một số chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay. Mới đây, Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của Đức, Luxembourg và Hà Lan vì các nước này không chỉ bị giảm đơn đặt hàng từ các đối tác thương mại, mà còn lệ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn trong Eurozone.
Moody’s cũng vừa hạ mức tín nhiệm đối với Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu do các nước châu Âu đóng góp nhằm ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ không lan rộng. Việc hạ mức tín nhiệm đối với quỹ này có thể ảnh hưởng xấu đến phí huy động tiền và tất nhiên, ảnh hưởng đến cả cố gắng giải cứu châu Âu. Hiện đang có mối lo ngại là ngoài mức giải cứu 100 tỉ euro vừa được chấp thuận dành cho các ngân hàng thương mại, Madrid vẫn có thể sẽ kêu gọi thêm sự giải cứu quốc tế cho nền kinh tế “tả tơi” của Tây Ban Nha. Các nhà đầu tư đang đẩy phí vay vốn của Tây Ban Nha lên cao hơn, ví dụ phí đối với loại trái phiếu mười năm đang ở mức 7,31%.
Toàn Eurozone vẫn rất lo ngại về khả năng Hy Lạp trụ được trong khu vực này và đáp ứng tốt các điều kiện của các thỏa ước hỗ trợ quốc tế. Các nhà chính trị Hy Lạp đang cố gắng xác định các khoản cắt giảm chi ngân sách theo yêu cầu của gói giải cứu 130 tỉ euro, trong khi nhóm quan chức của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đang tập trung về Athens để kiểm tra tình hình tài chính của Chính phủ Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đang chờ sự chấp thuận của các bên trong chính phủ liên hiệp để thực hiện tiết kiệm 11,5 tỉ euro trong hai năm 2013-2014, chủ yếu nhờ vào việc cắt giảm chi tiêu, hạn chế hưu bổng và cắt giảm lợi ích an sinh xã hội. Chính phủ Hy Lạp khẳng định sẽ không đưa ra biện pháp mới trong năm nay, nhưng nhóm giám sát quốc tế có thể yêu cầu nước này phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn vì theo dự báo, thiếu hụt ngân sách năm nay của Hy Lạp vẫn cao, khoảng 2 tỉ euro.
Thủ tướng Hy Lạp dự kiến sẽ gặp ông Barroso – Chủ tịch Ủy ban châu Âu – để kiến nghị tổ chức này tôn trọng cam kết đưa ra biện pháp nhằm khuyến khích tăng trưởng. Cuộc viếng thăm Hy Lạp của Chủ tịch Barroso được xem như một hành động yểm trợ về mặt chính trị khi mà người dân châu Âu vẫn lo lắng về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Thiên Bảo theo NYT 25-7-2012