Luật về chống lãng phí thực phẩm của Pháp mang tên Garot – được coi là luật đầu tiên của châu Âu trong lĩnh vực này – sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2-2017. Tiếp theo Pháp, Ý và Rumani cũng ra một luật tương tự trong năm nay. Theo luật của Pháp, các cửa hàng thực phẩm không được phép vứt bỏ hàng không bán được, mà buộc phải liên hệ với ít nhất một hiệp hội để thanh lý số hàng này, trước khi thực phẩm hết hạn.
Nhiều người đặt câu hỏi là: nỗ lực của Pháp và một số nước châu Âu tiên phong khác sẽ khiến toàn thể châu Âu quyết định hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn trong năm tới, để ngăn chặn nạn lãng phí thực phẩm trầm trọng hiện nay hay không?
Nếu như ở Pháp, lãng phí thực phẩm hằng năm là trên 10 triệu tấn, thì trên toàn châu Âu, lãng phí ước tính là 88 triệu tấn, tương đương với 20% thực phẩm được sản xuất tại châu lục, theo điều tra của Fusions. Trị giá thực phẩm lãng phí tương đương khoảng 143 tỉ euro. Bớt được khoản lãng phí này đủ nuôi những người đang thiếu đói.
Theo tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lãng phí thực phẩm có thể chiếm đến 1/3 sản lượng toàn cầu (tương đương 940 tỉ USD) và vẫn đang gia tăng tốc độ. Nếu không hành động mạnh mẽ, châu Âu khó lòng đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng lãng phí vào năm 2030.
Ngày 29-11, Ủy ban châu Âu khởi động một chương trình phối hợp về chống lãng phí thực phẩm, bao gồm 70 tổ chức công lập và tư nhân, trong đó có đại diện 37 cơ sở khoa học, tổ chức phi chính phủ và giới công nghiệp. Trong giai đoạn thứ nhất, chương trình này sẽ giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng thực phẩm xác định các hướng ưu tiên, và thúc đẩy hợp tác.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu đều có một chủ trương giống Pháp. Ủy ban châu Âu vẫn muốn khuyến khích các hành động mang tính thiện nguyện, hơn là ra luật. Một số nước có kinh nghiệm khác.
Trả lời phỏng vấn Huffington Post, Chủ tịch Hiệp hội Restos du Cœur lưu ý đến tính hai mặt của việc ra luật. Mặt tiêu cực là có nguy cơ tạo điều kiện cho sự hình thành một số hiệp hội trung gian, chỉ với mục tiêu làm đầu ra cho các sản phẩm bị ế của các siêu thị, mà không tính đến nhu cầu thực sự của người sử dụng. Chủ tịch Restos du Cœur nhấn mạnh là cần phải tận dụng mặt tích cực của luật này để “cải thiện và củng cố mạng lưới cho/tặng thực phẩm” mà mục đích chính là trợ giúp có hiệu quả những người thực sự có nhu cầu.
- T. Hồ