Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia trong phiên họp tuần qua đã đề xuất hai mục tiêu Chính phủ thực hiện năm tới là tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát ở mức 4%.
Theo thông tin về cuộc họp được đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc đề xuất các chỉ tiêu vừa nói, hội đồng còn kiến nghị các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, tăng cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Cuối năm là thời điểm nhìn lại những vấn đề lớn trong điều hành nền kinh tế đất nước. Đặc biệt năm 2016 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thế nhưng chúng ta vẫn vượt qua được nhiều thách thức trong đó có mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá giữa tuần qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng Chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cho năm 2016. Tính đến hết tháng 11-1016 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2016 tăng ở mức 4,5%, và dự kiến CPI sẽ đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho cả năm là dưới 5%.
Đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn, nhiều yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát khi các bộ điều chỉnh giá các loại dịch vụ công như y tế, giáo dục và đào tạo, giá xăng dầu tăng mạnh vào dịp cuối năm, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt diễn ra liên tục…
Năm 2017, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu lạm phát tăng bình quân khoảng 4%, tuy nhiên Phó thủ tướng cho rằng đây là một thách thức không nhỏ khi giá nhiều mặt hàng đã xuống đáy và đang có xu hướng tăng trở lại, 27 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện tăng mức viện phí, hàng loạt loại phí dịch vụ công cũng chuyển sang cơ chế giá.
Đặc biệt, giá xăng dầu thế giới dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong quý I-2017, khi giá dầu thô thế giới năm 2017 dự báo ở mức 65-70 USD/thùng, tăng khoảng 9 – 15% so với 2016.
Trước những thách thức đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương bám sát diễn biến giá xăng dầu của thế giới, điều hành linh hoạt và sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu; hoàn thành kịch bản khung giá điện bán lẻ trên cơ sở tính toán giá trị đầu ra, đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán điện và thời điểm tăng giá điện hợp lý.
Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện lộ trình theo Thông tư liên tịch số 37 đối với 27 tỉnh, thành phố còn lại. Sớm ban hành hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế. Bộ này cũng được yêu cầu sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tăng cường quản lý giá thuốc.
Phó thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính kiểm soát sát sao việc tăng giá vật tư dịch vụ của ngành giáo dục; liên bộ Công thương – Tài chính thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát giá sữa, nhất là trong quý I-2017.
Có thể nói, trong tình hình kinh tế năm 2016 gặp nhiều biến động, vậy mà lần đầu tiên Việt Nam đã đón được hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 25,4% so với năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỉ đồng là một điểm son. Vị khách quốc tế thứ 10 triệu đã được đón tiếp tại sân bay quốc tế Phú Quốc ngày 25-12 vừa qua. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh sáng 24-12 đã đón vị khách thứ 5 triệu là ông Chappe Bertrand đến từ Pháp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết năm 2016 ngành du lịch đạt hai dấu mốc mong đợi từ nhiều năm qua, đó là tổng số khách nhiều nhất trong một năm và mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm cao nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015). Năm 2016, du lịch Việt Nam cũng phục vụ được 62 triệu lượt khách nội địa.
Kết quả này là sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, trong năm 2016 các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai chiến dịch e-marketting cũng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình quảng bá về du lịch (VTVTrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia, đồng thời công bố đưa vào hoạt động trang web vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới phục vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức chiến dịch WhyVietnam, khởi động dự án Super Selfie quảng bá du lịch Việt Nam…
Cũng trong năm 2016, công tác liên kết, phát triển sản phẩm du lịch mới được chú trọng. Năm Du lịch Quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả tích cực. Số lượng khách và tổng doanh thu du lịch trong vùng đều tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy vậy, theo người đứng đầu ngành du lịch, hiện ngành này vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong đó phải kể tới chất lượng dịch vụ tại một số khu vực, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực quốc tế chưa cao; quản lý hoạt động du lịch tại một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập; tai nạn đối với khách du lịch còn xảy ra tại nhiều địa phương; thiếu chế tài quản lý một số loại hình du lịch đặc biệt; nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế và 66 triệu lượt khách nội địa.
Cũng phải ghi nhận thêm một tín hiệu tích cực vào cuối năm, đó là hàng loạt tỉnh thành công bố không bắn pháo hoa dịp tết, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Vĩnh Long…
Xu hướng tiết kiệm này rất đáng hoan nghênh sau khi có chỉ thị của Nhà nước, theo đó các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Kinh phí cho việc bắn pháo hoa như mấy năm qua, nay được dành để chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ cho người bị thiệt hại do lũ lụt và sự cố ô nhiễm môi trường biển…
Việc không bắn pháo hoa đêm Giao thừa sẽ tiết kiệm cho Hà Nội khoảng 10 tỉ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cũng xác nhận trước mắt sẽ không bắn pháo hoa trong dịp Tết Dương lịch, dù trước đó đã chuẩn bị kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán bằng nguồn vốn xã hội hóa, không lấy từ ngân sách.
Theo bà Thu, mặc dù bắn pháo hoa còn là hoạt động thu hút du lịch và việc không bắn pháo hoa dịp năm mới có thể sẽ làm cho người dân và du khách thấy buồn, nhưng thành phố cũng đã chuẩn bị một số chương trình văn nghệ để phục vụ người dân đón xuân.
Cùng ngày 23-12, ông Trần Đình Quỳnh, người phát ngôn UBND Đà Nẵng – nơi có cuộc thi pháo hoa quốc tế hai năm tổ chức một lần, thu hút nhiều du khách – cũng cho biết thành phố sẽ không tổ chức chương trình bắn pháo hoa kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, trùng với dịp Tết Dương lịch, với kinh phí từ nguồn xã hội hóa như dự tính trước đó. Kế hoạch bắn pháo hoa vào Tết Nguyên đán tại Đà Nẵng cũng sẽ bị hủy bỏ.
- Gia Minh