Từ trần ngày 30-9-2018, ca sĩ huyền thoại mang hai dòng máu Pháp-Armenia Charles Aznavour để lại cho đời một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, trong đó có sáu ca khúc bất hủ mà ngày nay ngay cả những người trẻ dưới 20 tuổi cũng biết đến.
Đôi khi việc sử dụng cụm từ “Quái vật ca nhạc Pháp” là quá đáng, nhưng đối với trường hợp của Charles Aznavour thì không sai. Charles Aznavour qua đời vào đêm Chủ nhật 30-9, rạng sáng mùng 1-10-2018 tại nhà ông tại miền Nam nước Pháp, ở tuổi 94.
Năm 1996, toàn bộ nhạc phẩm của Charles Aznavour xếp trong một cái tráp, được trình làng với 33 đĩa CD nặng gần 8kg.
Quả thật là khó để mà tóm lược trong vài ca khúc một sự nghiệp âm nhạc kéo dài đến 72 năm qua nhiều giai đoạn lịch sử với sức ảnh hưởng lan tỏa và thành công vang dội. Nhưng đây chính là sáu ca khúc gây ấn tượng và không thể nào quên trong lòng khán thính giả.
Ca khúc Tôi đã nhìn thấy tôi rồi sáng tác năm 1960 (Je m’voyais déjà, 1960).
“Năm 18 tuổi, tôi xa lìa quê hương
Quyết tâm dấn thân vào đời
Trái tim thanh thản, hành lý nhẹ tênh
Tôi tin chắc sẽ chinh phục Paris”.
Charles Aznavour đã sáng tác lời ca trên trong một khách sạn ở Bruxelles, lấy cảm hứng từ một chàng ca sĩ trẻ đang cố gắng thu hút sự chú ý của công chúng trong một quán bar, điều mà chính Charles Aznavour đã thất bại vài giờ trước đó. Sự kiện này đã luôn luôn gắn liền với bài hát mang tính tự truyện này của ông.
- Xem thêm: Prince – Huyền thoại lập dị
Năm 1945, Charles Aznavour được nữ danh ca Édith Piaf phát hiện trong khi ông đang chật vật tự khẳng định mình.
Với thân hình nhỏ nhắn, giọng ca đặc thù, phong cách của chàng trai này không hấp dẫn là bao. Mãi đến năm 1960, ca sĩ hai dòng máu này vẫn còn mày mò tìm cách cho giọng hát của mình cất cao đôi cánh.
Trước tiên, Charles Aznavour đề nghị với ca sĩ, diễn viên Yves Montant để anh được thể hiện ca khúc trên, nhưng bị từ chối.
Ngày 12-12-1960, Charles Aznavour hát tại Nhà hát lớn Alhambra của Paris, nằm không xa Quảng trường Cộng Hòa.
Một lần nữa, công chúng chưa chịu đón nhận Charles Aznavour, và mấy ca khúc ban đầu chỉ nhận được sự thờ ơ của khán giả.
Nhưng khi ông cất tiếng hát bài “Je m’voyais déjà”, cả khán phòng dường như thức tỉnh và bùng nổ. Đây là bài hát đầu tiên thành công và gây tiếng vang trong nghề ca hát của ông.
Ca khúc Me, sáng tác năm 1963 (La Mamma, 1963).
“Chúng đã đến
Tất cả tề tựu về đây
Khi chúng nghe tiếng la
Thì mẹ đã lìa đời”.
Lời than vãn đã chạm vào trái tim của tất cả những ai phải nói lời vĩnh biệt với đấng sinh thành. Lời thơ của Robert Gall, cha của nữ ca sĩ France Gall, đã không có nhạc sĩ nào phổ nhạc. Cuối cùng, chính Charles Aznavour đã nắm bắt nó và hoàn thành ca khúc “trong thời gian rất ngắn”, như lời ông nói.
Chỉ mới hôm qua thôi, sáng tác năm 1965 (Hier encore, 1965).
“Chỉ mới hôm qua thôi, tôi vẫn còn 20 tuổi
Nhưng tôi đã đánh mất tuổi trẻ
Để làm những việc không đâu
Không lưu lại trong tôi
Điều gì cụ thể, rõ ràng
Ngoài vài vết nhăn trên trán
Và nỗi sợ muộn phiền”.
Năm đó, 1965, Charles Aznavour không còn 20 tuổi nữa, thậm chí đã ngoài 40. Thời gian của nỗi nhớ quê hương, ôn lại quá khứ và nuối tiếc tuổi ngây thơ, khờ dại.
- Xem thêm: Chuyện chưa kể về ban nhạc The Eagles
Một điệp khúc buồn đã nhanh chóng làm run động lòng người yêu nhạc. Charles Aznavour đã thể hiện thành công ca khúc này bằng bốn thứ tiếng: Ý (Ieri Si), Anh (Yesterday when I was young), Tây Ban Nha (Ayer Aun) và Nhật.
Cuộc sống phiên lãng, sáng tác năm 1965 (La Bohème, 1965).
“Và nếu mớ vật dụng rẻ tiền đó
Là tổ ấm của chúng ta
Trông chẳng ra vẻ gì
Chính là nơi đôi ta quen nhau
Anh than đói khát
Còn em ngồi mâu khỏa thân”.
Trên sân khấu, Charles Aznavour luôn hát với chiếc khăn tay trắng trong tay, biểu tượng của tuổi trẻ ngây thơ vĩnh cửu. Vào cuối buổi trình diễn, ông để rơi chiếc khăn, đánh dấu thời kỳ đã qua.
Năm 1965, tác giả Jacques Plante đến gặp Charles Aznavour, người đã có chuỗi bài hát thành công như For me formidable hay Que c’est triste Venise (Venise buồn thật).
Lúc bấy giờ, Jacques Plante chỉ khai mào vỏn vẹn được một câu đầu tiên: “Tôi sẽ nói với bạn thời kỳ mà những người dưới 20 tuổi không thể biết” (Je vous parle d’un temps que les moins de 20 ans ne peuvent pas connaitre), nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ tạo cảm hứng cho Charles Aznavour ngồi vào cây đàn piano.
Thế là cả hai hoàn tất lời bài hát lấy từ cảm hứng của những giai thoại cuộc sống ở Paris.
Khi nghe qua, George Guétary, ca sĩ, vũ công và diễn viên, đã lập tức mê mẩn bài hát, và chính ca sĩ này là người đầu tiên hát ca khúc này trên sân khấu Monsieur Carnaval do Maurice Lehmann làm đạo diễn.
Nhưng trước sự hứng khởi của khán giả, Charles Aznavour quyết định thu âm vào năm 1966 với ban nhạc của Paul Mauriat.
Đĩa hát 33 vòng thu âm bài hát này đã bán được trên 1 triệu bản. Hơn cả một bài hát, La Bohème đã một thời trở thành bài thánh ca của một thế hệ và của Paris.
Hãy đưa tôi đi, sáng tác năm 1967 (Emmenez-moi, 1976).
“Suốt đời tôi chỉ biết
Bầu trời phương Bắc
Tôi muốn chạy trốn cuộc sống nhàm chán
Bằng bước rẽ cuộc đời”.
Đó là món quà của người anh rể, Georges Garvarentz, chồng của người chị cả, Aida. Georges Garvarentz đã viết lời và phổ nhạc nói lên cuộc sống lưu đày nghèo khổ.
Năm 1978, Charles Aznavour đã viết lời tiếng Anh với tựa đề Take me along trong album We were happy then.
Đây là một trong những ca khúc đã mang đến thành công cho Charles Aznavour ở Mỹ và giúp cho ngôi sao Charles Aznavour được ghi tên trên đại lộ danh tiếng Walk of Fame ở Los Angeles.
Như lời họ nói, sáng tác năm 1972 (Comme ils disent, 1972).
“Điệu bộ nói lên điều đó
Các nữ danh ca, giọng nam cao
Đều có thể
Lời đùa cợt, lời chế giễu
Làm tôi lạnh gáy vì sự thật
Tôi là người đồng tính
Như lời họ nói”.
Ca khúc Comme ils disent đã đưa Charles Aznavour lên đỉnh cao sự nghiệp bởi đây là chủ đề rất khó khăn tiếp cận. Năm 1972, chủ đề đồng tình luyến ái vẫn còn là điều cấm kỵ.
Charles Aznavour quyết định viết lời và phổ nhạc chủ đề này lấy cảm hứng từ một người rất gần gũi: Androuchka. Như lời trong bài hát, Androuchka là tài xế, thư ký và phối cảnh của Charles Aznavour.
Những người thân cận với Charles Aznavour lo lắng về những hậu quả tiêu cực mà một bài hát như thế có thể gây ra. Nhưng Charles Aznavour vẫn đảm nhận và trình diễn ca khúc này tại khán phòng Olympia.
Tại sân khấu nhỏ của quán bar 45-tours, Charles Aznavour, trong tranh phục màu đen, đã thể hiện ca khúc này và được tôn vinh. Năm 2002, Renaud Séchan, ca sĩ, nhà soạn nhạc, cũng đề cập đến chủ đề này trong ca khúc Le pédé do ông sáng tác.
Ca khúc này có đoạn: “Lỗi không phải tại anh, mà do bẩm sinh, như Aznavour đã nói rõ” (Ce n’est pas de ta faute, c’est la nuture, comme l’a si bien dit Aznavour).