Nhà giàu ở phố ngày một tăng nên hay nuôi chó cảnh. Nắm được thị hiếu đó nên ông Xôm nấu món cháo chó.
Xóm nằm sau dãy phố. Hơn trăm năm người ta vẫn gọi đây là xóm mặc dù nó có tên phố, có số nhà, ngang dọc gì cũng có kiệt. Xóm lụp xụp, trời rét tê chân đàn ông vẫn mặc quần đùi và đàn bà vận đồ nõn. Chẳng thấy lạnh. Xóm hay ăn quà vặt, chẳng thiếu thức gì, xóm ghi số đề, tiêm chích ma túy… thứ hạng nào cũng có. Suy cho cùng thì xóm hiện đại hơn bất cứ ở đâu nếu xét về độ ăn chơi lêu lổng. Nhà của Chung Tình nằm đối diện quán cháo vịt, buổi chiều nồi cháo bốc khói, Chung Tình khép cửa. Một vài âm thanh nghe hơi chói tai nhưng thích trong bụng. Nếu Chung Tình không có sức thì tiếng rên rỉ của người đàn bà từ ngôi nhà đó không thoát ra.
Nhà ông Xôm cách bức tường. Trước ông Xôm và Chung Tình ở một nhà, giờ chia đôi. Đầu tiên là chia trên bản đồ địa chính, sau gọi thợ khoan cắt bê tông về xẻ đôi cái nhà, chèn vào giữa bức tường. Hai cha con không nhìn mặt nhau. Dính vào đàn bà là lễ nghĩa gì cũng trôi, kể cả tình cha con. Trước ngày xẻ cái nhà, ông Xôm nói với Chung Tình: “Hết ai chứ vợ của tao mày cũng ngoáy đuôi vào”. Chung Tình cười đểu, vợ của bố chỉ là dì ghẻ tôi, không huyết thống. Mà tôi yêu dì ấy, tôi chỉ ngủ với dì ta, tôi chung tình hơn bố nhiều, mẹ tôi mất có hai tuần bố đi chơi đĩ.Căn nhà vẫn là nơi Chung Tình ở với dì, nhiều người hay thêm thắt chuyện kể cho vui tai. Chung Tình có lúc đi ngang qua cười, dựng nhà mới khó chứ dựng chuyện thì dễ. Ai đó đáp lại, bẻ măng tơ mới khó chứ lấy vợ cha khó gì. Chung Tình ngửa mặt lên trời cười ha hả, trời có rách cũng chẳng làm được điều đó, dễ lắm thay. Chung Tình hít thuốc, nhả hơi. Khói thuốc bay giữa trời đông lạnh giá. Mặt Chung Tình hanh hao, đôi mắt buồn, cái nhìn lúc nào cũng tỏ ra bất cần. Ngày quần áo cộc, đêm cũng thế. Một màu đen nhẻm từ cổ xuống đầu gối. Dì của Chung Tình hiếm ra ngoài, khi hết tiền hoặc thiếu thuốc mới cạch cửa đi ra, sau đó trở vào đóng cửa và phát ra những âm thanh dị biệt. Xóm xua trẻ con không cho đến gần, một số ông bố bà mẹ hay ngáp ngủ thì thả con tự do với ý rằng đằng nào chúng cũng sẽ rên lên như thế.
Ông Xôm người thấp đậm, áo hoa, quần màu ruốc. Ông là tay nấu cháo chó có tiếng ở vùng này. Nhà giàu ở phố ngày một tăng nên hay nuôi chó cảnh. Nắm được thị hiếu đó nên ông Xôm nấu món cháo chó. Ông đặt bếp trong nhà, kín bưng. Chỉ lâu lâu mới thấy ông ra bỏ cái chảo hoặc lấy thêm ít nước. Người ra cửa khép, người vào cửa khép. Đám nhà giàu hay mua cháo chó của ông Xôm còn yêu cầu bỏ thêm một vài thứ. Có khi ít thịt gà, có nhà yêu cầu băm thêm thịt bò. Nhưng cái cốt yếu là nước dùng nấu cháo của ông Xôm có gì đó rất đặc biệt. Chó ăn chỉ tháng con gầy cũng phởn mà con đã phởn thì rất phương phi. Cũng có người thử cháo xem có chất tăng trọng không, nhưng họ chẳng phát hiện ra điều gì. Sự tò mò đó sớm từ bỏ khi chó ăn cháo, chó béo khỏe, chó sống lâu thì cũng chẳng còn gì đáng quan ngại.
Ông Xôm có rất nhiều tiền. Ông chẳng biết tiêu vào gì nên cứ để ở những chiếc thẩu nhựa. Chiếc nào đầy ông dùng băng keo đen dán kín lại và chôn vào đám vữa ximăng lổn nhổn. Lâu lâu người đàn bà ở nhà Chung Tình sang xin tiền mua thuốc, ông cầm nắm tiền đưa rất khinh miệt, đồ đĩ chó. Thế mà người đàn bà vẫn cười, chửi bới nhưng cho tiền tiêu vặt là được. Ông Xôm đáp lại, tiền triệu mà tiêu vặt, hút đi, chết vẫn có người chôn.
- Xem thêm: Phía bên kia nhà
Trời bảng lảng, mưa lất phất, rét ninh tới đỉnh đầu. Một vài đứa ở xóm thua cá độ ôm chăn ngủ, mấy đứa đánh bài ăn tiền chửi nhau khi phát hiện kẻ gian. Có ai trúng số cười rú lên gần như điên loạn. Ở xóm, người ta sẵn sàng trao đổi một vài thứ thành tiền và ngược lại. Hôm trước, xóm râm ran chuyện con bé Trúc bán chân gà cay ăn nằm với thằng Kun lấy năm mươi ngàn đánh đề. Còn thằng Kun bị bắt vì buôn hồng phiến ngày sau đó. Chẳng lạ gì, lề sống mà. Những thứ rặt dày nó trở thành quen, cái quen như một con đường, nhiều người đi thành lối.
Quán cháo vịt, vị khách đưa cho con Đồng Tử một đốt xương, nó vẫn nằm yên. Con bé bán nước trề môi, bê đê còn giả bộ. Bà chủ quán khen, con bé này mắt thần. Sao mày biết con Đồng Tử là bê đê. Con bé bán nước cười hi hi, chỉ có bê đê mới thế, thấy khúc xương muốn táp còn giả bộ không thèm. Còn nữa, hôm cháu thấy nó úp máng một con chó đực, cười lăn quay. Cuộc trò chuyện chưa kết thúc thì ông Xôm mở cửa ngoắc ngoắc con Đồng Tử, nó vẫy đuôi chạy tuốt vào nhà ông Xôm. Con bé bán nước lại bô bô, chắc vào liếm dái ông Xôm mới co giò chạy nhanh thế. Mới dứt lời thì con bé ăn ngay chiếc dép của ông Xôm, nó tránh nên va đúng nồi cháo vịt còn bốc khói, mọi thứ vãi ra nền, bà bán cháo đứng dậy gằm ông Xôm nhưng không dám nói gì. Ông Xôm thách, chửi tôi đi, xóm sẽ rất vui khi nghe tin về bà. Con bé bán nước đẩy lưng bà bán cháo, chửi đi, sợ gì, hay cô cũng từng liếm lão. Người đàn bà bán cháo khom lưng lượm từng chiếc bát, hốt chỗ cháo đổ và khóc. Đời có lúc cùng như thế, như con phố có tên chẳng ai gọi, tức không chịu được.
Chiều muộn, sau khi lão già góa trong xóm cầm cá rô phi, mặc quần đùi đi dụ gái vừa khuất sau tiếng cười giòn thì một tay tầm 30 tuổi xuất hiện, cứ thập thò trước cửa ông Xôm. Con bé bán nước ới lớn, tìm ông Xôm hay tìm con Đồng Tử. Tay nọ hất hàm, tôi tìm ông Xôm, không khiến cô chỉ chó. Nói rồi người đàn ông lách qua cửa, con bé chạy đến rình mò.
– Còn cháo không.
– Cháo gì.
– Cháo chó.
– Anh nuôi chó từ khi nào.
– Có thì bán đi, nhiều chuyện.
Ông Xôm dựng mắt, tay mua cháo khúm núm.
– Tôi mua cho người.
– Sao không tử tế chút đi, tự nấu.
– Cháo ông bổ dưỡng, sức già kiệt rồi, chịu mới mò đến đây.
– À cố giữ lương phải không, nuôi người tháng có bảy, tám triệu đồng.
– Ông bé mồm cho.
Chợt nghĩ về nó, đứa mua cháo ngồi trước mặt ông và người chuẩn bị ăn cháo. Ông già nó chẳng lạ, ngày xưa hai người từng đối mặt nhau. Giờ một người nằm ăn lương, một người nấu cháo chó kiếm tiền, cũng thú. Ông Xôm cười khoái trá, con bé bán nước giật mình va đầu vào cánh cửa, tay mua cháo đi ra nhìn đăm đăm. Lo mà im mồm, nếu không tổ trật tự sẽ dỡ hết cái lán của mày. Con bé bán nước mặt câng câng, dỡ đi, rồi cả xóm này biết ai mua cháo chó khi nhà không nuôi chó. Tay kia vút xe, con bé đắc thắng nhìn về nhà ông Xôm chửi rủa. Đồ mất dạy, vô đạo đức thế hèn gì con trai nó cướp vợ. Thực ra con bé dửng dưng muốn thét lên điều đó, nhưng rồi nó sợ đụng thằng Chung Tình nên từ giọng nhất xuống giọng hai, nhưng không khỏi lầm bầm suốt buổi, mẹ nó, lúc có con bà sẽ đi khỏi xóm này.
Người đàn bà ở với Chung Tình chết bất đắc kỳ tử. Người ta đến khám nghiệm tử thi, cơ thể người đàn bà nham nhở dấu răng bầm tím. Cặp vú còn vết dấu của cuộc làm tình quá trớn. Họ dùng chiếc kìm lấy mẫu xét nghiệm sau khi đã hút một ít máu. Con bé bán nước rón rén nhìn, nó run cầm cập. Ở phía bếp Chung Tình đi lên và đưa tay mơn trớn con bé. Nó tụt quần con bé rồi lấn tới từ phía sau. Con bé nghe thứ gì đó vội vã, luồn sâu, cắt xé. Nó nằm lăn ra bếp, trước lúc Chung Tình hú lên, nó trợn trắng mắt. Đến chiều nó đi biệt tích. Rất nhiều người thắc mắc về con bé. Chung Tình cười khẩy, tôi lụm cho phát sướng điên nên chạy đi mách nước ai đó ấy mà, con bé vốn thích đưa chuyện. Lâu sau không thấy con bé về, Chung Tình lại bảo sướng quá quên đường về, tìm thằng nào kiếm lụm cũng nên, nhưng tin chắc chẳng thằng nào lụm sướng hơn thằng này. Chung Tình nói xong rồi đá mắt về đám đàn bà con gái ngồi buôn chuyện với nhau, họ cười, kinh tởm và thích thú.
Ông Xôm giết con Đồng Tử – người ta kháo nhau thế. Hôm con Đồng Tử vào nhà ông và không thấy trở ra. Chó xóm này cũng mất nhiều đáng kể. Sự ngờ ông Xôm nấu cháo chó bằng thịt chó lan ra, ông Xôm nhìn, kiểu những người trước mắt là một lũ ngu độn, thịt chó làm gì mà nấu đủ cháo chó. Chẳng cần giải thích, tháng sau người ta thấy con Đồng Tử chạy rông trên đường với mình béo mũm mĩm mới hay ông Xôm không đến nỗi tệ. Cả xóm này chẳng ai muốn thịt con Đồng Tử, cũng chẳng muốn hắt hủi nó. Nghĩ đến thân phận nó, không ai nỡ.
Chung Tình bỏ nhà, quăng bộ chìa khóa sang nhà ông Xôm. Ông ở hoặc bán nó đi, tôi không cần nữa. Kiếp trước tôi ăn ở thất đức mới làm con của ông, ông chẳng có tí đạo đức nào nên linh hồn ông mới rớt xuống cái xóm này. Chung Tình nói, ông Xôm không phản ứng, ông nhặt chùm chìa khóa rồi vứt xuống cống, chỗ nước thải đen ngòm. Ông chưa kịp nhìn lại thì mấy người công an đưa Chung Tình lên xe phạm. Chung Tình nói với bà bán cháo vịt, con nhỏ bán nước có về thì bảo nó đừng phá thai, tôi sẽ lấy nó. Bà bán cháo vịt hết nhìn con Đồng Tử rồi nhìn ông Xôm, đoạn sau bà lắc đầu. Bà nghĩ đến chuyến đi nhưng không đủ thời gian, động lực không có vì cái bụng chẹp lép… thôi cứ mặc, cứ nhìn con Đồng Tử là bà cảm thấy buồn. Trông nó đẹp mã thế. Và rồi bà nhìn ông Xôm, chợt rướm nước mắt, gương mặt ấy đến nỗi nào.
Chiều đông nắng tắt, tay mua cháo chó hôm nọ đi ngang nhà ông Xôm, anh ta vẫn ghé và mang theo cặp lồng mua cháo chó. Không nghe hai người nói chuyện gì. Vài tháng sau thì im bặt. Một buổi, anh ta ngồi quán rượu, khi say ngất ngưỡng anh ta tới đập cửa nhà ông Xôm.
– Ông già chết tiệt, ông có mở cửa không. Cánh cửa hé, chiếc chảo vứt ra đánh coong coong dọc đường. Tay kia đứng liêu xiêu, ngửa đầu khóc tức tưởi.
– Chết rồi à. Ông Xôm hỏi lạnh lùng, khi ăn tháng gần chục triệu không hề nghe chửi. Tôi giúp anh như thế hai năm nay rồi, sao phụ ơn thế.
– Ơn nghĩa ư, sao ông không ngăn tôi? – Vừa nói, anh ta vừa đưa tay lên bứt chiếc cầu vai trông rất thê thảm.
– Mọi thứ thuận theo tự nhiên, không ép, anh muốn nên mới tìm đến tôi… Ông Xôm triết lý, người đứng đối diện ông vẫn lằng nhằng.
– Tự nhiên sao ông nấu cháo chó.
– Cháo chó cũng là lẽ tự nhiên…
Xóm vắng, quán cóc đìu hiu. Người ta ít nói chuyện, ít nô đùa, ít chửi rủa nhau. Rượu ủ người cũng vắng. Đêm đêm, xóm lác đác vài người dật dờ, chó quen đến không buồn sủa. Ông Xôm ôm cổ con Đồng Tử ngồi nhìn ra đường, nó nhìn chăm chăm vào mặt ông Xôm. Có lúc nó liếm lên má nhưng ông Xôm để mặc. Một vài chiếc xe dừng lại mua cháo đêm. Ông bán, chẳng hỏi làm gì. Từ dạo trước ông đã đề lên tấm bìa cactông hai từ “Cháo chó”. Ai cũng biết đọc cả, còn họ mua cho ai ông không cấm được. Từ ngày người đàn bà kia chết, tiền ông Xôm đưa cho bà bán cháo vịt, bà ta nhận, đặt vào một chiếc hòm gỗ rồi ghi ngày tháng ông Xôm đưa. Bà ta bảo đây là những đồng tiền tôi nhận để sau này mai táng cho ông. Nghe xong ông Xôm cười hỉ hỉ, biết ai là người chết trước, tôi nấu cháo chó cơ mà, lúc nào chó chết mới đến lượt tôi. Nói rồi ông Xôm ngồi bệt ra vỉa hè, có gì đó chán ngắt khiến ông cứ lùa tay lên mặt, cảm giác như mạng nhện giăng dính, rất khó chịu.
Phố thênh thang, lác đác mưa rơi, lác đác lá vàng rụng vào những ngày cuối đông. Xóm dưới ánh đèn khuya rất cám dỗ. Con Đồng Tử chạy theo ông Xôm một đoạn rồi đứng lại khi gặp con chó quen thuộc. Chúng liếm lên mõm nhau. Ông Xôm thở dài, đi tiếp. Đến đoạn bờ sông giáp với chợ cá, ông vẫn thở hắt. Tự nhiên muốn nằm xuống, trên bãi cỏ ven sông. Tự nhiên thấy đời vô cùng nhạt nhẽo. Hay là cứ nằm xuống, thả lỏng, cho mọi thứ ùa về. Ông biết có thể điều mình muốn sẽ đến khi có cơn gió độc hoặc cái rét tận cùng cấu vào da thịt ông lạnh băng. Có gì đó như giọt nước mắt bò ra trên làn da màu chì. Ông đưa tay quệt. Âm thanh nhốn nháo phía xa khiến ông quên đi giấc mơ của mình, về một cái chết mà ông mơ ước, với ông nó cũng thuận theo tự nhiên. Ông chạy nhanh đến đám đông, bà bán cháo vịt nằm sóng xoãi trên mép cỏ cạnh bờ sông, người ta chiếu đèn, môi đã trắng dã. Ông Xôm lặng người đi, câu nói của mình mắc nợ như thế sao. Ông chỉ cho xóm chỗ bà bán cháo cất tiền, đám được đưa vào sáng hôm sau.
- Xem thêm: Thênh thang
Chung Tình về, đầu trọc, mồm huýt sáo. Hắn ngồi uống nước ở đầu xóm. Ông Xôm nghe tin, viết vội tờ giấy treo cánh cửa rồi lẳng lặng ra đi, “bố đi nhé con trai, bố không biết thân phận hay sự rủi may nhưng bố vẫn là bố của con. Chúng ta, hai người đàn ông, đã từng yêu thương và tội lỗi. Bố không muốn nữa, những nối tiếp trong câu chuyện này, với việc làm của bố và những thứ ở xóm. Con có thể sống tốt trở lại cũng có thể không. Bố đã rất yêu thương con nhưng chính bố đã chẳng thể khác đi khi là mình, khi sống ở nơi đây. Hãy sống và chịu trách nhiệm với bản thân khi con đã lớn”. Chung Tình không được đọc bức thư đó, con Đồng Tử đã ngửi thấy mùi của ông Xôm trên tờ giấy nên nó đã kéo lá thư xuống và xé nát bằng những chiếc răng và móng vuốt sắc nhọn. Nó vừa cào cấu vừa rên rỉ, rất đau thương. Chung Tình chẳng nhìn con Đồng Tử, chẳng nhìn ngôi nhà của mình. Đến một lúc đi qua nơi thân thuộc, người ta sẽ cúi đầu bước đi.