Kiến trúc sư Ieoh Ming Pei, “cha đẻ” của công trình tòa kim tự tháp bằng kính trong suốt ở lối vào bảo tàng Louvre ở Pháp, đã qua đời ở tuổi 102.
Ông Pei, một người Mỹ gốc Trung Quốc, là kiến trúc sư nước ngoài đầu tiên trong lịch sử phát triển của bảo tàng Louvre tham gia thiết kế kiến trúc cho bảo tàng, song thiết kế của ông bị phản đối gay gắt. Tuy nhiên, cùng với thời gian, giá trị các công trình kiến trúc của ông đã được khẳng định.
Từ một công trình xây dựng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử ngành kiến trúc, trong 20 năm qua, kim tự tháp kính trong khuôn viên bảo tàng Louvre đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp sánh ngang với Tháp Eiffel hay Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ngoài tòa kim tự tháp ở Louvre, tên tuổi của kiến trúc sư Pei còn gắn liền với nhiều công trình kiến trúc lớn khác như tòa nhà phía Đông của Phòng triển lãm nghệ thuật quốc gia ở thủ đô Washington (Mỹ), Đại sảnh danh vọng Rock and Roll ở bang Ohio (Mỹ) và Tháp Ngân hàng Trung Quốc ở Hong Kong (Trung Quốc)…
Các công trình của kiến trúc sư Pei được ca ngợi là “một vài trong số những không gian nội thất và các cấu trúc bên ngoài đẹp nhất” của thế kỷ 20. Sự linh hoạt và tài năng sử dụng chất liệu trong thiết kế của ông được ca ngợi là đậm chất thi ca.
Sinh năm 1917 tại Trung Quốc trong một gia đình giàu có, kiến trúc sư Pei chuyển tới San Francisco vào năm 1935. Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Havard, ông Pei bắt đầu sự nghiệp kiến trúc tại thành phố New York từ năm 1955.
Từng giành giải thưởng kiến trúc Pritzker danh giá năm 1983, ông Pei được xem là một trong những kiến trúc sư tài năng nhất của thế kỷ XX. Công trình của ông thường có hình khối trừu tượng, với vật liệu chính là đá, bê tông, kính và thép.