Theo nhận định mới nhất của các nhà khoa học, với các đặc tính phát triển nhanh, mềm dẻo, cây tre và những sản phẩm làm từ tre còn có khả năng hấp thu và tích lũy nhiều CO2 nhất so với các loài thực vật khác. Hiện nay, tại nhiều nơi trên khắp thế giới, tre được sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo được, và là nguồn nguyện liệu làm ra hàng ngàn sản phẩm bền chắc khác.
Đầu tháng 10-2018, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo về hiện trạng hành tinh của chúng ta và nhấn mạnh đến nhu cầu giảm thiểu những nguy cơ do sức nóng, hạn hán, lụt lội và nghèo đói tạo ra. Trong số những giải pháp đề ra trong báo cáo trên, có sự góp phần của… cây tre!
Hiện nay, có ít nhất 30 triệu hécta tre được trồng tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Lớn nhanh, khai thác được nhanh, cây tre sớm trở thành một trong những nguồn thực phẩm quan trọng của con người, có thể cung cấp sợi, chất đốt để làm ra hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Chúng bền chắc, có thể tái sinh được, và thay thế nhiều chất liệu khác như PVC, nhôm, thép và cốt sắt. Tre cũng là nguồn nhiên liệu sinh học đáng kể, được dùng làm chất đốt và sưởi ấm, hoặc chuyển thành khí đốt trong lĩnh vực điện năng.
Ủy ban Tre Mây Quốc tế (INBAR) hiện là một tổ chức liên chính phủ cổ xúy việc sử dụng cây tre và mây (song) nhằm phát triển môi trường xanh sạch và bền vững. Ngay từ năm 1997, ủy ban này đã hỗ trợ việc nghiên cứu về công dụng của tre, mây, thực hiện những dự án sử dụng chúng trong khuôn khổ nền nông nghiệp thông minh và hấp thu khí CO2 có hại cho môi trường.
Tại Trung Quốc, công nghiệp về cây tre đang nuôi sống 8-10 triệu người, với 3 triệu hécta rừng trồng và 3 triệu hécta rừng tự nhiên. Trong khi đó, châu Phi có đến 3,5 triệu hécta rừng trồng, không kể các khu bảo tồn. Điều đó có nghĩa châu Phi là vùng đất có nhiều khả năng phát triển một loại hình công nghiệp sản xuất từ cây tre.
Tiềm năng về cây tre trong mục tiêu vừa phát triển đời sống vừa góp phần giảm thiểu sự biến đổi khí hậu trên hành tinh là rất lớn, song con người chưa tận dụng được bao nhiêu khả năng này của chúng. Hy vọng trong một tương lai gần, cây tre sẽ có những đóng góp tích cực hơn nữa vào các mục tiêu phát triển dài hạn.
– Tổng hợp