Loại thực vật sống ở vùng nước mặn này là một trong những giải pháp tốt nhất để ngăn chặn hiện tượng ngập úng và xói lở ở các vùng ven biển. Theo dự báo của Chương trình Khoa học về thay đổi khí hậu Thái Bình Dương, trong điều kiện khí thải nhà kính ngày càng tăng cao, từ năm 2030 trở đi, trên thế giới nước biển sẽ dâng lên 4 – 15mm/năm. Tình trạng ngập lụt vùng ven biển và bệnh sốt rét là hai trong nhiều hậu quả nặng nề của sự thay đổi khí hậu có thể gây ra những tổn hại to lớn lên đất đai, con người và cơ cấu hạ tầng trong xã hội.
Rừng đước giúp bảo tồn hệ sinh thái vùng ven biển
Trong 15 năm qua, tại Papua New Guinea, hiện tượng ngập lụt tác động lên đời sống của 8.000 người mỗi năm, nhưng trong vòng 18 năm tới đây thì con số này sẽ là 65.000 người/năm, mức thiệt hại sẽ từ 20 triệu USD/năm tăng lên 90-100 triệu USD/năm vào năm 2030. Theo tổ chức bảo tồn đời sống địa phương Mama Graun, hiện có 30 trong tổng số 42 chủng loài đước được tìm thấy trên một khu vực trải dài gần 160km thuộc vùng ven biển Papua New Guinea. Chúng được sử dụng làm nhà ở, củi đun, bào chế các loại thuốc dân tộc và góp phần bảo tồn các loài thủy sản sống trong đầm nước mặn như cá, cua, sò ốc. Các nhà khoa học đang lo ngại về tình trạng tổn thất đến 50% số rừng đước trên thế giới trong vòng 50 năm qua, góp phần làm gia tăng lượng khí thải toàn cầu và làm tổn thương hệ sinh thái vùng ven biển. Theo họ, cây đước không ngăn chặn được tình trạng nước biển dâng cao nhưng giúp giảm thiểu sự xói mòn vùng ven biển và có tác dụng như một bức màn chắn bảo vệ cư dân trước cuồng phong và bão tố.
Năm 2011, tổ chức Mama Graun dự trù trồng mới và phục hồi rừng đước Papua New Guinea trên chiều dài 47km dọc theo vịnh Collingwood, xem đây là giai đoạn đầu của một kế hoạch dài hơi trải dài 206km, đi qua 26 làng mạc ven biển. Các tổ chức phi chính phủ trên thế giới ủng hộ hoạt động của Mama Graun và đang đóng góp vào sáng kiến mang tầm quốc gia nhằm trồng mới 2 triệu cây đước trên khắp lãnh thổPapua New Guinea. Với hai yếu tố tích cực là chi phí thấp và tác động rộng rãi lên đời sống con người, cây đước có triển vọng được nhân rộng ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần hạn chế những tác hại của thiên tai.
Minh Chiếm theo IPS, Telegraph…