Cứ đến khoảng tháng 1 và tháng 6 hằng năm, điều mà cả thế giới thời trang quan tâm đó là các tuần lễ thời trang và tấm vé tham dự các buổi trình diễn.
Vì sao sở hữu một chiếc vé mời tham dự tuần lễ thời trang lại quan trọng đến vậy? Việc có mặt tại một buổi trình diễn cho mùa thời trang năm sau không chỉ là một trong những người đầu tiên được xem những thiết kế mới nhất bằng mắt thật, mà còn là dịp để phô trương “tủ đồ” hàng hiệu của mình. Nếu may mắn, bạn có thể lọt vô ống kính của các nhiếp ảnh gia lừng danh như Tommy Ton hay Bill Cunningham. Tất nhiên cũng phải còn tùy thuộc vào quy mô của buổi trình diễn, thương hiệu nào và hàng ghế nào.
Hãnh diện và hào hứng là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể chen chân vào khu vực trình diễn. Bạn phải là nhà phê bình hoặc biên tập viên thời trang từ các tạp chí hàng đầu, người nổi tiếng, các buyers (người mua thời trang cho các boutique), khách hàng… Tùy vào mức độ quan trọng và tầm cỡ của bạn trong ngành công nghiệp thời trang mà vị trí ngồi sẽ gần với sàn diễn hơn. Điều tuyệt nhiên là bạn không thể đi hộ người trên giấy mời và vé mời đến đây không được rao bán.
Nhà tổ chức lại càng đau đầu không kém. Họ phải đảm bảo những việc sau đây: Lượng khách mời đến tham dự đầy đủ, không để lọt vô những người không có vé hoặc vé giả, và mối quan hệ và địa vị của khách mời để sắp xếp chỗ ngồi. Ai cũng muốn ngồi hàng đầu nhưng họ luôn có một danh sách đối tượng không muốn ngồi gần. Đây cũng là lý do các buổi trình diễn thời trang thường bị trễ ít nhất 30 phút.
Thiệp mời được các hãng thời trang đầu tư khá kỹ lưỡng. Ngoài thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức được in sẵn, tên của khách mời sẽ được viết tay bởi những nghệ sĩ thư pháp chuyên nghiệp. Nicolas Ouchenir là một trong số các nghệ sĩ thư pháp trẻ được các hãng thời trang chọn mặt gửi vàng. Anh phải làm việc liên tục và thậm chí ở lại văn phòng để chăm chút cho từng cái tên. Trung bình một buổi trình diễn mời khoảng vài trăm khách, mỗi thương hiệu yêu cầu viết chữ theo một kiểu khác nhau và mỗi mùa thời trang có đến vài chục thương hiệu tìm đến Nicolas.
Một số thương hiệu đã nâng tầm chiếc vé mời lên một nấc cao khác. Đó không chỉ còn là một tấm thiệp thông thường có ghi tên và thông tin buổi trình diễn mà đã trở thành một vật lưu niệm có giá trị sưu tầm. Tùy theo chủ đề của BST mà thiệp mời được thiết kế để phần nào nói lên tinh thần của BST đó. Louis Vuitton để thiệp mời trong một chiếc phong bì bằng da, thiệp mời của Fendi in hình phác thảo thiết kế của Karl Lagerfeld, Yohji Yamamoto làm hẳn một thẻ gỗ, hay như thiệp mời xuân-hè 2015 của Dries Van Noten là một chiếc hộp mica đựng một nhúm rêu phần nào hé lộ về sàn diễn phủ kín rêu và cỏ.
Riêng với các tuần lễ thời trang tổ chức ở Paris sắp tới thì có lẽ việc nhận được vé mời là một điều không mấy hào hứng mà thay vào đó là cảm giác lo sợ. Người ta vẫn chưa khỏi bàng hoàng trước vụ nổ bom tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo vừa rồi. Không chỉ có khách mời mà cả các NTK cũng lo lắng mất ăn mất ngủ. Chính vì lý do này mà việc thắt chặt an ninh tại những nơi đông người càng cần được chú trọng mà trong đó khâu kiểm duyệt vé mời là quan trọng nhất.