Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên lái xe một mình lên cao tốc. Đó là một buổi sớm tháng Mười, sương còn giăng lưng chừng cỏ lau ven đường, xe vút đi trên mặt nhựa mới hun hút… Tưởng mình đang sống giữa thước phim du ngoạn nào đó. Cho đến khi một chiếc xe khách bất ngờ chặn làn, bật đèn khẩn cấp. Và rồi cả đoạn đường sau đó như mắc cạn.
Tôi, như hàng triệu người khác, không thể không vui khi nghe Việt Nam sắp có đến 3.000 km cao tốc vào cuối năm nay, 5.000 km vào 2030. Một con số đáng nể cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng cũng chính tôi, người từng ôm tay lái run run giữa khúc cua không có lề, phải hỏi: Liệu những km cao tốc ấy có đang chạy nhanh hơn cả sự an toàn?
Người ta thường nói, tốc độ là bạn của hiện đại. Nhưng trong câu chuyện đường cao tốc Việt Nam, có vẻ tốc độ đang là… kẻ dẫn đầu của những bất cập.
Nhiều tuyến cao tốc được thiết kế chỉ có 2 làn/chiều, không làn dừng khẩn cấp, không có chỗ trú mưa trú nắng, không cả cơ hội để sửa một chiếc xe xịt lốp. Và từ đầu 2024 đến nay, hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, phần lớn ở những tuyến cao tốc “thiếu chuẩn”.
Cái “thiếu” ấy, không phải do kỹ thuật kém. Mà do chính sách gọi là “phân kỳ đầu tư” – ưu tiên làm nhanh, làm nhiều km, rồi sau tính chuyện mở rộng.
Nghe thì hợp lý. Nhưng thực tế thì đắt đỏ hơn nhiều. Chúng ta đang phải bỏ ra hơn 152.000 tỷ đồng chỉ để nâng cấp 1.144 km cao tốc Bắc – Nam lên… chuẩn ban đầu.
Thật lòng mà nói, tôi thấy thương cho những người cầm lái. Không chỉ là tài xế chuyên nghiệp, mà còn là bao nhiêu người cha, người mẹ, chở con nhỏ về quê, về nội… Một cú dừng gấp, một va chạm nhẹ ở nơi không có làn khẩn cấp, cũng có thể trở thành chuỗi thảm kịch dây chuyền.
Tôi nhớ có người nói vui: “Đường cao tốc Việt Nam đúng kiểu thần tốc thời chiến – làm xong rồi… tính sau”. Nhưng giữa thời bình, đường sá không phải chiến dịch. Đó là hành trình, là an nguy hàng ngày của triệu con người.
Chuyên gia Nguyễn Thành Hưng gọi chính sách phân kỳ đầu tư là một “sự chuyển giao rủi ro từ ngân sách nhà nước sang người dân”. Nghe cay đắng, nhưng thấm thía. Khi ta quên lấy người dân làm trung tâm, thì chính những con đường – dù thẳng tắp – cũng có thể dẫn đến bế tắc.
Có lần tôi đi cùng một người bạn nước ngoài trên cao tốc Việt Nam. Xe chỉ cần giảm tốc độ đột ngột, bạn ấy đã hỏi: “Nếu xe bị hư thì mình làm gì?”.
Tôi cười trừ: “Thì cầu cho đừng hư…”.
Nhưng trong lòng lại buốt lên một câu hỏi: Bao nhiêu km cao tốc nữa phải làm lại? Bao nhiêu tai nạn nữa mới đủ cảnh tỉnh?
Tôi không chống lại phát triển. Tôi cũng không cổ xuý sự chậm chạp. Nhưng cao tốc, nếu là hình ảnh của hiện đại, thì càng nên bắt đầu từ sự an toàn và nhân bản.
Không chỉ để chạy cho nhanh, mà còn để về cho kịp bữa cơm gia đình.
Cảm ơn chiếc xe nhỏ của tôi – vẫn đang kiên nhẫn cùng tôi đi qua những cung đường… chưa hoàn hảo.