Theo một báo cáo ngày 12-5 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có một hiện tượng đáng lo ngại là tuổi trẻ phương Tây ngày một sa đà vào nhậu nhẹt quá đáng. Hai mươi năm qua, trong khi lượng rượu tiêu thụ trên toàn khối OECD giảm nhẹ thì giới trẻ uống rượu quá đáng lại tăng.
Trong báo cáo “Đấu tranh chống tiêu thụ rượu độc hại”, giám đốc Văn phòng việc làm, chính sách xã hội và sức khỏe thuộc OECD, Stefano Carpetta khẳng định: “Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là giới trẻ uống rượu quá nhiều” và kết luận “Mức tiêu thụ rượu độc hại và say sưa tăng mạnh trong giới trẻ, kể cả nữ, ở nhiều nước trong khối OECD. Mỗi cuộc nhậu say sưa, trung bình uống 5-8 ly rượu mạnh. Đàn ông uống 210g, phụ nữ uống 140g rượu/tuần đã là tới ngưỡng độc hại, trong khi chỉ một ly vang hay một ly rưỡi bia đã chứa 10g rượu. Một phần của hiện tượng nhậu say sưa là việc mua rượu quá dễ dàng, giá cả lại vừa túi tiền giới trẻ. Hơn nữa sản phẩm có cồn lại tiếp thị nhằm vào đối tượng trẻ.Các quảng cáo gắn đồ uống có cồn với các lễ hội, âm nhạc, thể thao… càng hấp dẫn tuổi trẻ.
Một chuyên gia tư pháp của OECD cho rằng về mặt xã hội cũng như y tế, xu hướng nhậu nhẹt trong giới trẻ đã trở thành vấn đề lớn. Tiêu thụ nhiều rượu kéo theo tai nạn giao thông, người say nhập viện cấp cứu. Ở Mỹ, từ năm 1999 đến 2008, số người độ tuổi 18-24 phải nhập viện vì hôn mê do rượu tăng 25%. Độ tuổi uống ly đầu tiên và say khướt lần đầu thì giảm. Số trẻ 15 tuổi chưa một lần uống rượu từ 44% năm 2000 giảm xuống còn 30% năm 2009. Cũng trong thời gian đó, trẻ 15 tuổi say xỉn lần đầu tăng từ 30% lên 43%.
Stefano Carpetta đề xuất chống hiện tượng này phải bằng nhiều biện pháp, như hạn chế quảng cáo rượu, giảm tỷ lệ độ cồn trong máu cho phép khi lái xe, tăng mạnh thuế đồ uống có cồn. Còn Tổng thư ký OECD, Angel Gurria cảnh báo: “Cái giá cho xã hội và kinh tế vì nạn uống rượu quá mức vô cùng lớn”.
Lê Lành theo Le parisien (DNSGCT)