Chính quyền Bỉ chính thức thừa nhận tình trạng “burn-out”, căng thẳng sức tàn lực kiệt – trầm uất trong công việc là một thực tế phải báo động khẩn cấp, rộng rãi. Theo số liệu thu thập từ thủ đô Brussels, trung bình một năm không dưới 10 ngàn người phải điều trị trạng thái trầm uất – căng thẳng kiệt lực vì công việc.
Lên sóng truyền hình VRT, Bộ trưởng Y tế vương quốc Bỉ, Maggie de Block trấn an: “Quý đồng bào yên lòng, ngành y tế chúng tôi đã sẵn sàng những phương án tích cực đối phó với thực tế trầm kha tâm lý – xã hội tác hại đến sức khỏe con người. Trước hết, tăng 70% chi phí bảo hiểm y tế để đảm bảo chữa trị, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất cho người căng thẳng kiệt sức trong công việc thường ngày”.
Tờ Brussels Times thống kê từ số liệu của các cơ sở y tế năm 2015: Có 8.208 người trầm uất, căng thẳng sức kiệt vì công việc được điều trị tích cực, tăng gấp đôi so với năm năm trước. Số đông phải trải qua quá trình một năm trị liệu tâm lý mới phục hồi được sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tờ Brussels Times còn báo động cứ 10 người làm công ăn lương thì một người phàn nàn bị căng thẳng tinh thần quá mức, cần được tư vấn tâm lý.
Trong báo cáo khoa học, tiến sĩ tâm lý học Đại học Harvard, Joan Borysenko kết luận nhân viên làm việc hơn tám giờ mỗi ngày, quá năm ngày mỗi tuần, có nguy cơ trầm uất – căng thẳng tinh thần, kiệt sức gấp sáu lần so với người làm việc đúng thời gian quy định – 40 giờ/tuần.
Nguyên nhân chính của tình trạng tai họa này là nhân sự giảm. Người còn lại phải gánh vác thay quá sức, nhưng lại không dám phản đối, sợ bị sa thải. Phái yếu có nguy cơ căng thẳng – trầm uất hơn nam giới.
Theo J. Borysenko, trong trạng thái căng thẳng sức kiệt, con người không còn động cơ sống, sức sống, chán ghét nếp sống quen thuộc hằng ngày của bản thân… Nguy hại hơn nữa, khi phái nữ nhận ra tình trạng này thì đã nguy kịch, việc chữa trị – phục hồi đòi hỏi kiên trì, kéo dài.
- Lê Lành theo Brussels Times