Những tháng qua và có thể thời gian tới sẽ chưa thêm tin vui cho nền kinh tế. Cú sốc của ngành tài chính – ngân hàng vẫn để lại dư chấn. Một số điều chưa hợp lý trong hoạt động của ngành ngân hàng đang được mổ xẻ, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Đây chính là nỗi lo không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà còn của nhiều người, nhiều lĩnh vực liên quan.
Những tin không vui tiếp tục đến, cùng với sự tăng đột ngột của giá vàng là việc giá xăng dầu, gas vẫn tiếp tục chiều hướng đi lên. Mà với sự tăng giá của những mặt hàng có tác động đến chi phí đầu vào như thế, một thời gian sau chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Tất cả khiến cho sự tăng của chỉ số CPI tháng 8 vừa rồi chưa phản ánh hết sự “lo toan” của nền kinh tế, khi kèm theo đó, các tiêu chí khác như hàng tồn kho, xuất nhập khẩu, tăng trưởng,… cũng chưa tích cực. Một sự tăng giá trong tương lai vẫn hiện diện ở đâu đó, bất chấp việc cung tiền hay tổng cầu chưa hề tăng mạnh. Có lẽ vì vậy mà đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa khuyến nghị Việt Nam không nên nới lỏng chính sách, ít nhất là từ nay đến năm tới, trong bối cảnh lạm phát cơ bản được tổ chức này đánh giá là vẫn tương đối cao và tiềm ẩn rủi ro về việc giá lương thực thế giới tăng sẽ tác động tới nền kinh tế trong nước. Dù những gì chúng ta làm được một năm qua là rất đáng khích lệ, khi đưa lạm phát từ mức rất cao trở về một con số như hiện nay, cán cân vãng lai từ vị thế yếu đã được cải thiện, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên, nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế giảm so với trước…, thì khó khăn vẫn còn hiện rõ. Đó là một hệ thống ngân hàng cần phải tái cơ cấu, một nền kinh tế cạnh tranh yếu, dựa nhiều vào thâm dụng lao động năng suất thấp…
Lượng tiền bơm vào nền kinh tế từ các ngân hàng chưa tăng nhiều trong thời gian qua. Dù nhiều ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng tín dụng gần đây, có đơn vị lên đến 30%, thì con số tăng trưởng tín dụng của hệ thống chỉ ở mức 1,4% trong tám tháng qua, chứng tỏ sự hấp thu vốn của nền kinh tế là rất thấp. Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh bị kẹt giữa một bên là sức ép tăng giá do chi phí đầu vào, một bên là phải giảm giá để bán được hàng tồn kho và vì sức mua suy giảm. Bởi thế, nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng, tiền chưa bơm ra theo kế hoạch mà đã lo lạm phát như thế, một khi tăng trưởng tín dụng năm nay là 8 – 10% thì sự việc sẽ còn khó khăn đến mức nào. Tăng trưởng nóng đi kèm với lạm phát người dân còn dễ chấp nhận, còn trong điều kiện kinh tế trì trệ mà giá cả vẫn tăng thì rất khó cảm thông vì chắc chắn đời sống của người làm công ăn lương sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng những tháng tới sẽ tăng khi tác động từ nhóm hàng hóa đầu vào xăng dầu, điện tăng giá thời gian qua phản ánh hết vào giá cả. Đó là chưa kể mùa thiên tai, bão lũ đang đến, kèm theo quy luật giá hàng hóa thường biến động theo chiều hướng tăng vào dịp cuối năm.
Theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm sẽ giải ngân nhanh toàn bộ số vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ với tổng trị giá khoảng 130 ngàn tỉ đồng nhằm tăng tổng cầu cho nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Chủ trương này cộng với việc các ngân hàng tăng cường cho vay nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ có tác động cộng hưởng, khiến khả năng lạm phát tăng trong những tháng tiếp theo là có thực. Vậy nên, sự đề phòng để có những xử lý kịp thời luôn là việc làm cần thiết của các nhà điều hành.
Minh Hằng