Mối quan hệ thương mại “cùng thắng” giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đang bên bờ rạn nứt bởi những bất đồng khó dung hòa mà ngòi nổ chính xuất phát từ cuộc tranh luận giữa các bộ trưởng thương mại châu Âu và Trung Quốc về trợ cấp công nghệ cao. Khi tranh chấp xảy ra, nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ nảy sinh ra những hiệu ứng đối với Việt Nam, quốc gia vừa có mối quan hệ tốt với EU, vừa là láng giềng của Trung Quốc, kèm theo nỗi lo trở thành một phần “sân sau” của cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới.
Khi hai bên khẩu chiến
Ngày 31-5, các bộ trưởng EU và Trung Quốc đã tranh luận liên quan đến việc Trung Quốc trợ cấp cho các nhà sản xuất viễn thông hàng đầu của họ là Huawei và ZTE Corp bán rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh châu Âu. Hiện cả hai bên đang nỗ lực đàm phán để hạn chế tối đa phải nhờ cậy trọng tài WTO. EU chọn TIDs, công cụ bảo hộ mậu dịch làm vũ khí để chống lại những trợ cấp không công bằng cũng như thái độ cạnh tranh bất chính trong thương mại của Trung Quốc.
Trái với quan điểm của De Gucht – Ủy viên thương mại châu Âu, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cảnh báo về tính thiếu hiệu quả của việc lạm dụng các công cụ bảo hộ mậu dịch trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Ông này còn khẳng định về việc G-20 đã thống nhất sẽ không đưa ra bất cứ biện pháp hạn chế mậu dịch nào cả; cách giải quyết tốt nhất là thảo luận hòa bình trước khi sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát.
Mâu thuẫn trong thương mại giữa EU và Trung Quốc không chỉ mới xuất hiện. Sự việc trên chỉ là “giọt nước tràn ly” và nguồn gốc cơ bản xuất phát từ lề thói cạnh tranh bất chính từ phía Trung Quốc, tạo nên một phản xạ “phòng vệ thương mại” từ phía EU vì chẳng có lý gì mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” mà chỉ có châu Âu tôn trọng luật chơi.
Trung Quốc đang bị buộc phải tôn trọng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU về chất lượng, mặt khác lại bị tố cáo vì hành vi gây khó khăn cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào Trung Quốc bằng chính sách ngấm ngầm hậu thuẫn cho các doanh nhân Trung Quốc trong các cuộc đấu thầu. Nhưng lần này, Trung Quốc tỏ vẻ lúng túng trước nguy cơ bị trả đũa từ phía EU, chứ không ở thế chủ động như trong việc cấm vận chuối của Philippines. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nghị viện châu Âu kiên quyết buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật chơi trong khi Trung Quốc tiếp tục phớt lờ? Vấn đề không đơn giản chỉ là mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, mà còn ảnh hưởng đến những thị trường khác, vốn cũng có mối quan hệ thương mại lâu dài và bền vững với cả EU và Trung Quốc. Chẳng hạn như Việt Nam.
Việt Nam giữa ngã ba đường
Mối quan hệ kinh tế EU – Việt Nam được nhận định là tốt đẹp, có những bước tiến ổn định và ngày càng khởi sắc. Từ năm 2009, nhiều dự án của EU bắt đầu được đăng ký tại Việt Nam, chiếm 2,17% tổng số vốn FDI. EU hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc). Đàm phán về tự do thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đang được xúc tiến, hai bên đã cùng ký tắt Hiệp định Hợp tác và Đối tác năm 2012, bước đầu tiên để hướng tới mối quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi hơn. Việt Nam đang từng bước củng cố vị thế và chữ tín trong lòng người bạn hàng có thị phần lớn nhất nhì thế giới này.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển từ năm 2004 đến nay, đặc biệt sau khi ACFTA chính thức có hiệu lực. Theo TS Trần Đức Hạnh (Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM), Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chỉ xếp sau Mỹ, EU, Nhật Bản), chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn phải cẩn trọng. Đứng trước nguy cơ bị trả đũa thương mại từ EU, Trung Quốc hẳn đã tính toán một “kế hoạch dự phòng”, nhằm tối thiểu hóa thiệt hại. Nếu Nghị viện Châu Âu thành công trong việc kêu gọi Ủy ban Châu Âu sớm đề ra những biện pháp tự vệ theo quy định của WTO thì các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu có khả năng bị ngăn chặn. Trung Quốc có thể xuất khẩu lượng hàng đó sang Việt Nam như một cách để thanh lý, đồng thời lợi dụng mối quan hệ bạn hàng giữa Việt Nam với EU để cùng một số doanh nghiệp Việt Nam đẩy lượng hàng đó qua EU dưới danh nghĩa sản xuất tại Việt Nam. Nếu EU biết được, rõ ràng hình ảnh “đối tác đáng tin cậy” mà Việt Nam đã và đang xây dựng sẽ bị đánh mất; nghiêm trọng hơn, EU có thể tiến hành trừng phạt thương mại đối với Việt Nam. Vô tình Việt Nam ở vào thế bị vạ lây, nhất là khi việc xuất khẩu sang các nước EU còn khó khăn bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công cùng những rào cản phi thuế quan của thị trường này.
Gần đây đã có chuyện doanh nghiệp của ta “trúng đòn” trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung. Cuối tháng 1-2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định mở cuộc điều tra về các loại tháp điện gió nhập khẩu từ nước ngoài bị nghi là bán phá giá vào thị trường Mỹ. Hai nước bị nêu tên là Trung Quốc và Việt Nam. Một hiệp hội gồm bốn doanh nghiệp Mỹ bị mất nhiều thị phần trong thị trường này đã đệ đơn tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam được trợ giá từ nhà nước, nên có thể bán với giá thấp giá thị trường hơn nhiều lần. Điều lạ là doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ nổi tiếng có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực tháp điện gió. Nhiều khả năng doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc về, “biến hóa” thành của mình, sau đó xuất sang Mỹ. Trong thời điểm Mỹ đưa xuất khẩu lên làm quốc sách, chống phá giá sẽ là vũ khí lợi hại nhất để các nhóm sản xuất Mỹ vận dụng nhằm đánh vào hàng nhập khẩu lớn từ nước ngoài. Hàng Trung Quốc luôn bị theo dõi kỹ từ nhiều năm trở lại đây. Một mặt, chính quyền Obama vì quyền lợi chiến lược ở Đông Nam Á đang cố gắng xúc tiến trao đổi thương mại với Việt Nam. Mặt khác, việc (có thể) doanh nghiệp Việt làm “sân sau” cho các sản phẩm Trung Quốc đã khiến cho ta bị ngờ vực, bị dính vào những tranh cãi không đáng có, kiểu “quýt làm, cam chịu”.
Rõ ràng, sự vắng mặt hay giảm thiểu hàng hóa của Trung Quốc sau khi lệnh hạn chế ngoại thương của EU có hiệu lực có thể là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam, nhất là khi Việt Nam và EU đã khởi động vòng đàm phám thương mại tự do song phương. Nhưng một kịch bản tương tự như vụ kiện phá giá sản phẩm tháp điện gió có thể lặp lại, nếu chúng ta chấp nhận để hàng hóa Trung Quốc đội danh hàng sản xuất nước mình. Việc “liên kết” này dù trước mắt sẽ đem lại một chút lợi nhuận, nhưng tác hại lâu dài cho uy tín hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Cái cần lúc này của các nhà quản lý và doanh nghiệp nước nhà là một tầm nhìn dài hạn hơn là những con số được thua trước mắt.
Lê Trân – Nhân Văn