Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố bản báo cáo có tên “Xu hướng ổn định của môi trường vĩ mô sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam giải quyết vấn đề chất lượng tài sản”. Trong bản báo cáo này, Moody’s đã nâng xếp hạng nhiều ngân hàng thương mại nước ta, lý do theo đánh giá của tổ chức này là nhờ vào sự ổn định trong môi trường hoạt động của các ngân hàng đã giúp các ngân hàng cải thiện được chất lượng tài sản, đồng thời ổn định lượng tiền gửi và cải thiện triển vọng kinh doanh của các ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng đã có tiến bộ trong hoạt động quản lý và thận trọng hơn trước rủi ro, từ đó cải thiện các tiêu chuẩn bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh nỗ lực tự thân của các ngân hàng, Moody’s cũng nhận định tăng trưởng kinh tế nước ta đã hồi phục sau khi chạm đáy vào năm 2012 và chính nhờ điều này mà Ngân hàng Nhà nước tiến hành cắt giảm các lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng. Đây là tín hiệu tích cực đối với các ngân hàng bởi việc cắt giảm lãi suất giúp gánh nặng lên người đi vay được giảm bớt và nền kinh tế được hưởng lợi.
Sau lần giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng gần đây nhất (ngày 29-10-2014) xuống còn 5,5%/năm, tưởng chừng lãi suất khó giảm thêm thì việc lạm phát năm 2014 bất ngờ giảm chỉ còn 1,84% khiến nhiều người lại kỳ vọng vào một đợt giảm sâu nữa của lãi suất cho vay. Bởi lãi suất thường được thuận chiều với lạm phát và với mức lãi suất thực dương mà Ngân hàng Nhà nước lâu nay áp dụng, chỉ cần lãi suất huy động khoảng 3%/năm là đủ để người gửi tiền không bị thiệt do đồng tiền trượt giá. Tuy nhiên, như nhiều nhà kinh tế đã phân tích, lạm phát giảm mới chỉ là cơ hội để giảm lãi suất, đặc biệt là với trường hợp “bỗng dưng” giảm một cách đột biến của nước ta trong năm 2014. Tác nhân quan trọng nhất khiến chỉ số lạm phát xuống dưới 2% chính là do giá dầu thế giới giảm nhanh. Mà xăng dầu là chi phí đầu vào của tất cả các ngành kinh tế, nên hầu như tất cả các mặt hàng khác đều giảm giá so với trước. Chính vì vậy, một khi giá dầu trong năm 2015 không giảm thêm thì mức tăng của lạm phát hoàn toàn phụ thuộc vào thực trạng của nền kinh tế. Dịp Tết Âm lịch tới đây sẽ là một phép thử đối với chỉ số giá. Chỉ khi lạm phát không tăng trong điều kiện giá dầu không thay đổi thì mới có thể đánh giá là CPI đang trong vùng ổn định. Khi ấy, trần lãi suất huy động có thể giảm thêm, tuy nhiên cũng khó kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu. Bởi việc lãi suất giảm mạnh có thể kích thích doanh nghiệp và người dân tăng vay mượn, khiến tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, dẫn đến lạm phát có thể quay lại.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động chưa đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay, bởi định ra mức lãi suất cho vay bao nhiêu còn phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh và chiến lược của từng ngân hàng thương mại. Nhìn chung, ngân hàng càng có quy mô lớn, vững mạnh thì càng giảm được chi phí vận hành và quản trị rủi ro, giảm được chi phí sử dụng vốn (cả khi vay ở bên ngoài khu vực dân cư lẫn vay liên ngân hàng) và từ đó sẽ giảm được lãi suất cho vay. Quy mô ngân hàng nhỏ thì chi phí vận hành lớn, khó giảm lãi suất cho vay. Vấn đề trở lại với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, vốn đang được tiến hành mấy năm gần đây. Một hệ thống ngân hàng mạnh, có quy mô tương đối, với nhiều ngân hàng được các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều hành của các ngân hàng. Từ đó, việc giảm lãi suất cho vay sẽ trở nên dễ thực hiện và bền vững hơn.
Minh Hằng (DNSGCT)