Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại mới cho vay khoảng 122.400 tỉ đồng, nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 – 14%, hệ thống ngân hàng phải “bơm” vào nền kinh tế khoảng 300 ngàn tỉ đồng từ nay đến cuối năm. Các nhà phân tích cho rằng rất khó để đạt được con số ấy một cách thực chất.
Từ nhiều tháng qua, để bình ổn thị trường ngoại hối và duy trì ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, đồng nghĩa với việc đưa ra thị trường một lượng lớn tiền đồng. Khi nền kinh tế không thể hấp thụ hết số tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước phải hút tiền về nhờ vào tín phiếu, một công cụ tương tự trái phiếu chính phủ nhưng có thời hạn ngắn dưới một năm. Sáu tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hơn 547 ngàn tỉ đồng tín phiếu, lần sau chủ yếu để thay thế lượng tín phiếu đáo hạn trước đó, và dư nợ tính tới thời điểm cuối tháng 7-2014 đã hơn 200 ngàn tỉ đồng. Nếu biết rằng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thường được sử dụng trong trường hợp cấp bách nhằm kiềm chế lượng tiền trong lưu thông, qua đó kiềm chế lạm phát, thì việc dư nợ tín phiếu của các ngân hàng ở mức cao như vậy là đáng báo động, chứng tỏ các ngân hàng thương mại không thể đẩy vốn ra nền kinh tế, khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Đó là chưa kể hơn 85% lượng trái phiếu chính phủ phát hành thời gian qua vẫn được các ngân hàng mua vào.
Một biểu hiện khác chứng tỏ cầu tín dụng vẫn đang èo uột là sự trầm lắng của thị trường liên ngân hàng. Khi các ngân hàng không có nhu cầu cao trong việc cho vay ra ngoài thì họ cũng không cần phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch qua đêm và giao dịch kỳ hạn một tuần cứ giảm dần. Giao dịch bình quân một ngày trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ khoảng 20 ngàn tỉ đồng, giảm khoảng 10% so với vài tháng trước đây.
Ngoài ra, do gánh nặng nợ xấu từ các khoản vay cũ, nên các ngân hàng thương mại cũng không muốn cho vay bằng mọi giá như trước đó. Lãi suất cho vay, vì vậy, cũng giảm không nhanh như mong đợi của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khoảng ba tháng gần đây, kể từ lần giảm lãi suất cho vay gần nhất, lãi suất cho vay bình quân ở tất cả các kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại là không thay đổi. Mà khi kinh tế khó khăn, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, lãi suất vay chưa giảm nhanh như mong muốn, các doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà gì với việc gõ cửa các ngân hàng. Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 do Tổng cục Thống kê vừa thực hiện, có hơn 50% số doanh nghiệp cho biết không có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Số còn lại có nhu cầu vay vốn, nhưng nếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì rất khó được cho vay. Con số thống kê cho thấy nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại chủ yếu rót vào trái phiếu chính phủ (khoảng 90%), các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư công. Rất ít vốn vay dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, do không có tài sản đảm bảo và dễ phát sinh nợ xấu mới cho ngân hàng. Bởi vậy, dù tăng trưởng tín dụng có khó khăn, các ngân hàng vẫn rất chặt chẽ trong khâu cho vay. Để đạt mức tăng trưởng tốt nhằm lấy chỉ tiêu cao cho năm tới, các ngân hàng thường “chuẩn bị” một số doanh nghiệp lớn quen biết, chờ đến cuối năm sẽ giải ngân. Thế là hết năm, rất có thể mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 – 14% sẽ đạt hoặc gần đạt. Nhưng như vậy, mục tiêu ấy chỉ đạt về số lượng chứ không phải về chất lượng. Mà như thế, tăng trưởng tín dụng sẽ không thực chất.
Minh Hằng