Cần sớm thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt

Thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Dự thảo này được xây dựng có nhằm đem lại lợi ích chung cho xã hội hay bị một nhóm lợi ích chi phối?

Cách đặt vấn đề như vậy rõ ràng xuất phát từ một sự bất hợp lý có tính cục bộ và những yếu kém của Ngân hàng Nhà nước về quản lý các phương tiện thanh toán, nhưng không vì vậy mà chúng ta bác bỏ những cố gắng của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách hướng đến một nền kinh tế hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.

Những tác hại của kinh tế tiền mặt

Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về thị phần thanh toán bằng tiền mặt. Đây là sản phẩm còn rơi rớt của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý kế hoạch hóa tập trung và bao cấp bằng hiện vật sang nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò, chức năng của đồng tiền được phát huy tương đối đầy đủ nhưng ngân hàng vẫn yếu kém trong việc đổi mới phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân thực hiện giao dịch tại một máy ATM

Mặt khác, do thói quen cũng như quy mô giao dịch của cá nhân còn ít khiến thị phần thanh toán hầu như dùng tiền mặt là chính. Hậu quả là hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ hàng chục năm trước là séc cá nhân và thẻ thanh toán thì chỉ có thẻ thanh toán được sử dụng tương đối rộng rãi.

Đã có quá nhiều nghiên cứu được đúc kết cho thấy tác hại không nhỏ của nền kinh tế tiền mặt.

Thứ nhất là chi phí khá tốn kém cho việc thanh toán bằng tiền mặt từ khâu in ấn, vận chuyển, bảo quản, thất thoát, nhất là với các đồng tiền mệnh giá nhỏ.

Thứ hai là một tác hại không thể đo đếm được, đó là môi trường dung dưỡng cho kinh tế ngầm, cho buôn gian bán lận, trốn thuế, cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh và là môi trường thuận lợi cho việc lưu thông tiền giả.

Thứ ba là khó kiểm soát chính xác thu nhập để thực hiện công bằng Luật Thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập cao.

Thứ tư là chưa bảo đảm cho sự an toàn của đồng tiền mỗi khi thanh toán, vận chuyển, bảo quản… đối với cả các cơ quan, doanh nghiệp lẫn đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng. Những thiệt hại vừa nói vẫn chưa thấm vào đâu so với việc rửa tiền vốn gây nguy hại không chỉ cho nền kinh tế mà còn cả an ninh chính trị của đất nước. Tệ nạn rửa tiền, hiểu một cách đơn giản là biến các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp (thường được gọi là tiền bẩn) thành những đồng tiền có nguồn gốc hợp pháp (tức tiền sạch).Công cụ nào có khả năng cao nhất ngăn chặn tệ nạn ấy?Đó là ngân hàng.Thế nhưng liệu ngân hàng có làm được triệt để không khi hiện nay khối lượng tiền mặt quá lớn thanh toán trong xã hội không thông qua ngân hàng.Đó là chưa kể làm sao ngân hàng có thể xác minh được nguồn gốc đồng tiền trong nền kinh tế tiền mặt, mà nếu không xác minh được thì làm sao biết tiền nào sạch, tiền nào bẩn. Khổ nỗi nếu truy hỏi người gửi về nguồn gốc đồng tiền thì họ sẽ phản ứng lại bằng cách… không gửi tiền qua ngân hàng mà chuyển sang ẩn giấu vào các loại tài sản khác và như vậy sẽ làm giảm đáng kể việc đưa đồng vốn vào các hoạt động kinh doanh toàn xã hội.

Theo trích dẫn của báo chí, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng biến “tiền bẩn” của buôn lậu, buôn ma túy và nhất là của tham nhũng thành “tiền sạch” là việc quá dễ. Bởi chỉ cần dùng “tiền bẩn” mua nhà, mua đất rồi sau đó mang bán lại là thành “tiền sạch” mà không cần phải “rửa” qua các ngân hàng.

Nói tóm lại không thể chống tham nhũng nếu cứ tồn tại mãi một nền kinh tế tiền mặt như hiện nay.

Lợi ích nhiều mặt

Trong khi đó thì thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ về mặt quản lý Nhà nước mà còn trong phát triển nền kinh tế quốc dân. Một ví dụ cụ thể là thuế của người dân phụ thuộc rất nhiều sự minh bạch trong thu nhập và sự tự giác của mỗi cá nhân. Thực tế ở nước ta, khi phần lớn lượng giao dịch còn bằng tiền mặt thì việc trốn thuế là hết sức dễ dàng. Như thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng ôtô, xe máy… nhiều năm nay nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, nền kinh tế ngầm là một hiện tượng phổ biến và phức tạp, xuất hiện ở tất cả các nền kinh tế đang phát triển lẫn phát triển. Tác động của những giao dịch bằng tiền mặt đối với toàn bộ các loại thuế, cũng như ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội đặt ra yêu cầu cho cơ quan thuế các nước phải đưa ra được chính sách, giải pháp hữu hiệu.

Ngành thuế lâu nay thường xuyên phản ánh tình trạng thất thu bởi thông tin không rõ ràng về thu nhập của doanh nghiệp và người dân. Dùng tiền mặt không qua ngân hàng thì không để lại chứng từ, không chỉ là cản ngại đối với việc hoàn thành chỉ tiêu của ngành thuế mà còn tạo bất công trong các thành phần chịu thuế.

Để thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt, ngoài việc xây dựng một thói quen trong người dân thì điều kiện tiên quyết phải là các chính sách và biện pháp phù hợp của ngân hàng, để việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều phía. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì cần xây dựng một khung pháp lý về thanh toán nhưng tránh việc quy định mang tính hành chính mà phải thỏa mãn ý muốn của mọi đối tượng, nhất là có biện pháp ngăn chặn hành vi trục lợi trong việc thanh toán qua ngân hàng. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, trong lĩnh vực thanh toán qua ngân hàng có nhiều luật khác nhau như Luật Thanh toán bằng tiền mặt, Luật Séc, Luật Hối phiếu, Luật Phòng chống rửa tiền… đều được xây dựng đồng bộ.

Khách hàng càng thanh toán nhiều qua dịch vụ của ngân hàng thì ngân hàng càng có lợi do sử dụng hiệu quả đồng tiền nhàn rỗi của người dân. Chính vì vậy mà hệ thống ngân hàng thường xuyên mở chương trình khuyến mãi để kích thích người dân sử dụng tài khoản của mình chi trả chi phí hằng ngày.Phổ biến nhất vẫn là chuyển khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Khi người dân đã sử dụng dịch vụ ngân hàng để đóng thuế thu nhập, chi trả thì tiền sẽ ở lại ngân hàng trong một thời gian nhất định. Đó là cái lợi lớn nhất cho thanh khoản ngân hàng.

Hồi tháng 6-2012, trong lúc hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh toán do khủng hoảng tồn đọng hàng hóa của cả năm trước thì Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm đó toàn hệ thống ngân hàng đang có 37,3 triệu tài khoản tiền gửi cá nhân với tổng số dư là 68,52 tỉ đồng và 13.920 thiết bị ATM trên cả nước đã thực hiện gần 130 triệu giao dịch thanh toán với tổng giá trị giao dịch đạt gần 200.000 tỉ đồng. Con số này không hề nhỏ khi nó gần tương đương với 1/3 con số nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng (theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước là khoảng 220.000 tỉ đồng).

Do vậy phải khẳng định rằng tuy số lượng người sử dụng ATM và số tiền thu được hiện tại không lớn so với chi phí để vận hành hệ thống ATM mà các ngân hàng phải bỏ ra, càng không lớn so với con số 90 triệu dân Việt Nam, nhưng lại đã cho thấy nếu việc vận hành ATM của hệ thống ngân hàng có một định hướng tốt thì đây sẽ là cửa mở cho hệ thống phát triển dịch vụ bán lẻ, gia tăng vốn huy động và thậm chí hướng tới sinh lợi một cách đáng kể.

Về phía người dân, họ sẽ không cần phải mang một khối lượng tiền mặt lớn theo người để thanh toán cho các chi tiêu thường xuyên.

Thế nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi ngân hàng có tầm nhìn xa trông rộng, không chú trọng lợi nhỏ trước mắt là các loại phí giao dịch cơ bản làm người dân xa lánh các phương tiện thanh toán qua ngân hàng vì không mang lại lợi ích thiết thực cho họ.

Hiện nay người dùng thẻ tín dụng phải chịu nhiều loại phí như phí mở thẻ, phí thường niên, phí truy vấn số dư, phí rút tiền nội mạng… Tất cả các khoản này lên đến 0,57% thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở phần lớn các nước chỉ vào khoảng 0,05%. Đó là chưa kể sự liên thông giữa các loại thẻ chưa được mở rộng khiến người sử dụng phải mang theo cùng lúc quá nhiều thẻ. Điều này khiến việc dùng thẻ thanh toán chưa phổ biến, số liệu thống kê đáng tin cậy cho thấy số người sử dụng các phương tiện này ở nước ta chỉ vào khoảng 1% dân số.

Một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác là séc cá nhân vốn rất thuận lợi nhưng đến nay vẫn quá ít người dùng do các quy định phiền toái, nay rất cần được Ngân hàng Nhà nước xem xét lại nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng.

Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020 thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt, liệu mục tiêu này có đạt được không khi hệ thống ngân hàng vẫn còn quá vướng bận với những lợi ích trước mắt có tính cục bộ.

Phạm Thành Sơn

Exit mobile version