Thông tin về việc sáp nhập các ngân hàng đang đến một cách dồn dập, đặc biệt là trong mùa đại hội cổ đông vào tháng 4 này. Có nhiều ngân hàng nhỏ không thuộc diện “phải sáp nhập” vì hoạt động kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống, vẫn đang tìm một ngân hàng lớn để sáp nhập nhằm nâng cao tính cạnh tranh trước sức ép ngày càng cao dành cho các ngân hàng nội địa trong thời kỳ mới. Sức ép đó đến từ các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, được dự báo sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào hệ thống trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhờ sự cạnh tranh này mà người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Với công nghệ tiên tiến và những dịch vụ cung cấp có tính minh bạch cao, các ngân hàng ngoại thâm nhập thị trường đã và sẽ đem đến nhiều ích lợi cho các ngân hàng nội địa, buộc họ phải thay đổi để tự nâng tầm. Các ngân hàng ngoại có ưu thế lớn về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm hoạt động, nhưng các ngân hàng nội cũng có những lợi thế riêng, như mạng lưới chi nhánh rộng khắp, thấu hiểu tâm lý của người tiêu dùng… Tuy nhiên, còn nhiều phương diện, trong đó có vấn đề về sự rõ ràng, minh bạch, là điều mà không cần phải ngân hàng lớn mới có thể học được.
Chẳng hạn, chuyện niêm yết lãi suất đầu vào cao nhưng phi thực tế của một số ngân hàng hiện nay là không minh bạch. Cụ thể, từ đầu tháng 4, một số ngân hàng thương mại một mặt tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động đầu vào giảm đối với các kỳ hạn ngắn (chỉ còn 4 – 4,5%/năm), mặt khác đẩy mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cao lên, đến 7 – 7,5%/năm. Tuy nhiên, khó có người gửi nào chạm được mức lãi suất hấp dẫn này, vì điều kiện đưa ra là phải gửi hàng trăm tỉ đồng trở lên. Nếu không có khoản tiền khổng lồ đó, người gửi chỉ có thể chọn những kỳ hạn có lãi suất thấp mà thôi. Mục đích của việc đưa ra mức lãi suất tiền gửi phi thực tế này là để cho các ngân hàng có thể cho vay với lãi suất cao, do họ lấy lãi suất huy động dài hạn làm tham chiếu để tính lãi suất cho các hợp đồng cho vay. Hầu hết các hợp đồng tín dụng cho vay trung và dài hạn hiện nay đều có mức lãi suất điều chỉnh 3-6 tháng/lần theo thị trường, được tính theo lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ 2,5 – 4%. Nghĩa là lãi suất tối đa mà các ngân hàng có thể tính cho người vay lên tới 11%/năm. Dù các ngân hàng lý giải rằng đây chỉ là cách để họ không phải điều chỉnh giảm quá sâu lãi suất những khoản vay cũ (thời điểm mà lãi suất huy động rất cao) thì ai cũng thấy rằng lấy một mức lãi suất tiền gửi phi thực tế làm tham chiếu cho vay là một cách hành xử không trung thực. Ngoài ra, lãi suất tham chiếu này không chỉ giúp các ngân hàng “dễ thở” với các khoản vay cũ. Hiện nhiều ngân hàng thương mại vẫn tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 5 – 7%/năm nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn giai đoạn đầu cho vay và buộc người vay phải vay kỳ hạn dài, không được trả gốc sớm. Việc lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng được đẩy lên cao rồi dùng để làm tham chiếu tính lãi suất cho vay trung và dài hạn các năm tiếp theo sẽ giúp các ngân hàng hưởng lợi.
Những “chiêu” không đẹp này của một số ngân hàng nội sẽ ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của họ, một khi các ngân hàng nước ngoài xác lập được vị trí đứng tại thị trường nước ta. Đổi mới công nghệ, quy trình… phải đi kèm với đổi mới về cung cách làm ăn. Chỉ có sự minh bạch, rõ ràng trong mọi hoạt động mới giúp cho các ngân hàng nội cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng nước ngoài.
Minh Hằng (DNSGCT)