Tổng cầu vẫn tiếp tục suy giảm, hoạt động của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Có lẽ chính vì vậy mà các doanh nghiệp rất quan tâm đến mốc thời gian 15-7, thời điểm các ngân hàng – theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước – đưa các khoản vay cũ với lãi suất cao về dưới 15%/năm. Doanh nghiệp chờ đợi tất cả đều sẽ nhận được sự hỗ trợ này từ phía ngân hàng, trong khi nhiều ngân hàng thì vừa thực hiện giảm lãi suất vừa nghe ngóng tình hình. Những ý kiến được đưa ra, rằng có nên chế tài với các ngân hàng chưa thực hiện chỉ đạo hay không, khi trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng được đưa lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm, mà chỉ doanh nghiệp đang hoạt động tốt mới được ngân hàng giảm lãi suất. Vấn đề cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang được đặt ra.
Tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết có hai ngân hàng (Vietcombank và BIDV) đã tiến hành xong việc giảm lãi suất, các ngân hàng khác cũng thực hiện được khoảng 50% và cố gắng hoàn tất ngay trong tháng 7. Tốc độ triển khai chỉ đạo giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại chậm hơn. Những ngân hàng chưa thực hiện đại trà chỉ đạo này cho rằng, rõ ràng mức độ rủi ro của từng khoản vay là khác nhau, ví dụ vay đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không thể giống như vay để kinh doanh, phục vụ hoạt động xuất khẩu; khoản vay ngắn hạn khác với khoản vay dài hạn, rồi thời hạn vay cũng khác nhau… nên không thể cào bằng cùng một mức lãi suất. Nhìn chung, các ngân hàng này vẫn muốn rà soát và ưu tiên giảm lãi suất cho doanh nghiệp trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên. Nói cách khác là làm sao chia sẻ được khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ngân hàng cũng không quá thiệt thòi. Nhiều ngân hàng mới chỉ áp dụng giảm lãi vay xuống 15%/năm với khách hàng thuộc nhóm bốn lĩnh vực ưu tiên. Doanh nghiệp nào sử dụng vốn vay sai mục đích, chẳng hạn vay để sản xuất kinh doanh nhưng lại dùng tiền đầu tư vào bất động sản, sẽ không được giảm lãi suất…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố đây chỉ là định hướng của Ngân hàng Nhà nước với mong muốn các ngân hàng chia sẻ cao nhất với các doanh nghiệp, nên không có chế tài xử lý với trường hợp không thực hiện. Tuy nhiên, cũng theo Thống đốc, tuyệt đại đa số các ngân hàng đều có văn bản cam kết thực hiện. Trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng về lãi suất và cơ cấu lại nợ diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, Thống đốc cũng khẳng định dù tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng không phải là bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tập trung giải ngân vào quý III để tránh gây áp lực lạm phát cho năm sau, đồng thời cân nhắc liệu có nên điều chỉnh mặt bằng lãi suất thêm và điều chỉnh như thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng nhất. Song song đó là tìm cách giải quyết các thủ tục để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp, nhất là việc xử lý nợ xấu bất động sản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh rằng các ngân hàng cần tập trung vốn cho những doanh nghiệp có điều kiện, kinh doanh có hiệu quả. Điều này thực ra cũng chính là nỗi lo của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Dù còn hơn năm tháng nữa mới hết năm 2012, nhưng có thể chắc một điều là có rất ít ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thuộc nhóm 1. Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng năm nay dự báo chỉ ở mức 8 – 10%. Vay và cho vay, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, vì vậy, sẽ còn là mối quan tâm của nền kinh tế trong thời gian tới.
Minh Hằng (DNSGCT 465)