Nhận định chung của giới nghiên cứu kinh tế là hiện nay mức độ đầu tư hạ tầng cơ sở không đủ giúp các nước đang phát triển chuyển đổi nền kinh tế để đạt được phát triển bền vững.
Trong những thập niên qua, nhiều định chế tài chính đa phương, trong đó có Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank) đã gia tăng mức độ đầu tư, thêm vào đó là các sáng kiến phát triển, như sáng kiến “nhất đới nhất lộ” (một vành đai một con đường) của Trung Quốc, góp phần khá lớn vào công cuộc đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, song những nỗ lực này vẫn chưa đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa theo các mục tiêu đã đề ra.
Gần đây, trong những cuộc thảo luận nhắm đến khả năng đóng góp của hệ thống ngân hàng vào phát triển kinh tế, nhiều lúc người ta đã lơ là đối với mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và hạ tầng cơ sở, coi hạ tầng cơ sở là một hình thức đầu tư thu lợi nhuận đơn thuần của các nhà đầu tư quốc tế.
Tài liệu phân tích của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) căn cứ vào dự án phát triển của hơn 40 nước đang phát triển cho thấy các nhà hoạch định nhấn mạnh khá nhiều đến các dự án phát triển hạ tầng cơ sở – chiếm đến 90% tổng số dự án – song lại ít chú trọng đến tác dụng chuyển đổi cơ cấu của những dự án này. Sự đóng góp của hệ thống ngân hàng vào các dự án này được đề cao, song vẫn không thu ngắn được một cách có hiệu quả khoảng cách giữa các dự án phát triển hạ tầng cơ sở.
Nhu cầu đầu tư cho sự phát triển hạ tầng cơ sở hằng năm trên mức độ toàn cầu cần từ 4.600 tỉ USD đến 7.900 tỉ USD, đòi hỏi các chính phủ phải đầu tư nhiều hơn nữa. Để đạt được mục tiêu đề ra, hầu hết các nước đang phát triển phải tăng gấp đôi tỷ lệ đầu tư hiện nay, từ chưa đến 3% GDP lên 6% GDP, để có thể đạt đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, tỷ lệ này phải là 6,2% GDP thay vì 3,2% GDP như hiện nay; ở châu Phi phải là 5,9% cho những năm 2016-2040 thay vì 4,3% như hiện nay. Riêng châu Á, các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở hiện chiếm tỷ lệ 5% GDP cho những năm 2016-2030.
Dẫu cho phần lớn dự án đầu tư hạ tầng cơ sở nhắm vào các mục tiêu quốc gia rộng lớn hơn, song chúng vẫn chưa được nhắm vào các chiến lược kinh tế lâu dài, với những thách thức và trở ngại cần vượt qua. Các nhà hoạch định chính sách tại UNCTAD thúc giục các nước đang phát triển đưa ra những dự án đầu tư tốt hơn nhằm đạt đến mục tiêu quan trọng là chuyển đổi cơ cấu. Hai mục tiêu hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế cần được kết nối một cách hiệu quả hơn để đồng bộ hóa các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.
– Tổng hợp