Cải tạo vỉa hè ở TP.HCM: Không nên “đồng hóa” vỉa hè!

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc “đồng hóa” vỉa hè như vậy chưa thật sự cần thiết, gây lãng phí lớn. làm thế nào để việc quản lý và cải tạo vỉa hè được thực hiện một cách bài bản, hợp lý, đảm bảo mỹ quan và vẫn giữ được nét “văn hóa vỉa hè” đặc trưng là điều được nhiều người quan tâm.

 

Vỉa hè đường Nguyễn Huệ nên được nâng cấp tương xứng

Vỉa hè thời hư đâu, sửa đó

Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, phải giữ được sự thông thoáng, nhưng với người dân ở TP.HCM, hầu như ai cũng quen với việc thấy vỉa hè gồng mình gánh nhiều chức năng khác và thường xuyên bị lấn chiếm. Thành phố cũng đã nhiều lần thực hiện chỉnh trang vỉa hè, nhưng phần lớn làm theo kiểu hư đâu sửa đó nên không phải vỉa hè được cải tạo xong là đẹp, là tốt. Có những đoạn vỉa hè chỉ sau vài năm đã xuống cấp, lại phải đào lên làm lại như theo một chu kỳ “đến hẹn lại lên”. Ông Đức, một cán bộ về hưu ở quận 1 cho biết, có những vỉa hè được làm từ thời Pháp, chỉ đơn giản là tráng xi măng hay lát đá xanh nhưng rất bền, nhưng đã dần bị mất đi, ví dụ các đoạn vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Pasteur… “Những vỉa hè đó là một phần của lịch sử, là văn hóa, là ký ức của người dân Sài Gòn, đáng lẽ cần được gìn giữ” – ông nói.

Trước đây, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè ở TP.HCM được giao trực tiếp cho các cấp quận, phường quản lý nên mỗi nơi làm mỗi cách, kết quả là trên cùng một tuyến đường, nhưng nếu khác phường, khác quận thì gạch lát vỉa hè cũng khác nhau! Tình trạng vỉa hè không đồng nhất về chất liệu và màu sắc gạch lát, chỗ cao chỗ thấp chẳng khác gì chiếc áo vá vụng về, thiếu thẩm mỹ. Đến cuối năm 2009, thành phố đã có chủ trương xem xét lại quy định chung đối với việc chỉnh trang, cải tạo các vỉa hè và thống nhất giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý.

Suốt một thời gian dài, việc đầu tư và cải tạo vỉa hè ở TP.HCM thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan như giao thông vận tải, điện lực, viễn thông… Người dân than phiền khi vỉa hè vừa mới được chỉnh trang, cải tạo đã bị đào lên để thi công nhiều công trình ngầm khác gây lãng phí lớn. Nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Và “đồng hóa” vỉa hè

Là quận trung tâm thành phố, có nhiều tuyến đường tập trung đông khách du lịch nên đầu năm 2009, quận 1 chi hơn trăm tỉ đồng để đồng loạt cải tạo vỉa hè trên nhiều tuyến đường của quận. Với mục đích tăng vẻ mỹ quan đô thị bằng chủ trương “mặc đồng phục” cho vỉa hè nên dù trên một số tuyến đường như Mạc Đĩnh Chi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Đồng Khởi…, gạch con sâu lót vỉa hè còn khá tốt vẫn bị lật lên để thay mới bằng gạch terrazzo. Riêng vỉa hè ở một số tuyến đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… được thay mới bằng gạch granite đắt hơn nhiều lần so với gạch thông thường.

Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè đồng loạt là chưa cần thiết. Loại gạch terrazzo mới có kích thước lớn, khả năng chịu lực kém nên dễ vỡ, lại không có khả năng thấm, hút nước tốt. Mới sau hai năm sử dụng, trên một số vỉa hè, loại gạch này đã bắt đầu xuống màu, bong tróc, vỡ… Việc cải tạo vỉa hè khá đơn giản, nhưng khi thực hiện cũng phải xem xét, tính toán cho hợp lý. Chẳng hạn, chỉ nên sử dụng chất liệu đá granit cho các con đường mà ở đó hệ thống hạ tầng đã ổn định để tránh lãng phí.

TP.HCM nên có vỉa hè rộng rãi, có nhiều mảng xanh như thế này (Trong ảnh: vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước công viên Tao Đàn)

Nói về việc cải tạo vỉa hè, ông Phạm Thành Kiên – Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết từ trước đến nay, vỉa hè của thành phố đều được đầu tư theo kiểu chắp vá, hư đâu sửa đó nên không có được sự đồng bộ. Phương án cải tạo mới vỉa hè, đầu tư một lần là nhằm để vỉa hè sạch đẹp hơn, góp phần làm cho bộ mặt đô thị khang trang hơn. Cũng theo ông Kiên, trong năm 2012, thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố chủ trương cải tạo, tăng cường mảng xanh trên các tuyến đường bằng nguồn vốn xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia. Trước hết sẽ thí điểm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Lê Lợi đến Hàm Nghi). “Đây là một trong những cố gắng của thành phố để lập lại trật tự đường phố, tạo thêm không gian xanh, nước sạch, hạn chế việc lấn chiếm lề đường” – ông Kiên nói.

Trước tín hiệu đáng mừng trên thì trong việc cải tạo vỉa hè, cây xanh đã bị “vạ lây”. Nhiều bồn cây trồng dọc theo hai bên vỉa hè đã bị đập bỏ, dù trước đó Công ty Công viên cây xanh đã cải tạo bó vỉa cây xanh ở khu vực trung tâm như đường Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ… Người dân thành phố thấy tiếc, nhưng đành phải chờ đến ngày chủ trương tăng cường mảng xanh nói trên được triển khai rộng rãi.

“Văn hóa vỉa hè” dưới góc nhìn đô thị học

Khái niệm “văn hóa vỉa hè” không xa lạ ở các nước phát triển, thậm chí còn gắn liền với “kinh tế vỉa hè”, “nghệ thuật vỉa hè”…, nhưng ở nước ta, khái niệm này chưa được nhiều người nhìn nhận đúng. Vì vậy, suốt một thời gian dài, việc quản lý vỉa hè vẫn loay hoay đóng – mở do sự cứng nhắc và thiếu tầm nhìn tổng thể. Theo TS. Nguyễn Minh Hòa – Trưởng khoa Đô thị học và quản lý đô thị của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vỉa hè cũng cần phải có bản sắc, không nhất thiết phải đồng nhất thì mới là đẹp. Vì vậy, không nên đào xới vỉa hè một cách vô tội vạ khi chất lượng vỉa hè vẫn còn tốt. Việc cắt vỉa hè để trồng cỏ trên một số tuyến đường ở quận 1, quận 3 là một sự cố gắng trong việc làm đẹp đường phố, nhưng cũng không là giải pháp phù hợp với thực tế (giảm phần vỉa hè cho người đi bộ, tăng chi phí chăm sóc, tốn nhiều nước sạch vào mùa khô…).

Vỉa hè lát gạch mới sạch sẽ, khang trang hơn, nhưng chất lượng gạch không bền, dễ vỡ, xuống màu (ảnh nhỏ)

Vỉa hè đô thị còn có chức năng phục vụ xã hội mà các nhà quản lý nên sắp xếp, phân loại để nó phát huy đúng chức năng. Những vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ qua lại mà bị lấn chiếm để bán hàng hay giữ xe thì người vi phạm sẽ bị phạt nặng. Còn những vỉa hè rộng ở khu trung tâm thì cần có quy định thu phí dành cho người bán hàng (chọn lọc ngành hàng phù hợp) sắp xếp đẹp mắt để vừa phục vụ khách du lịch, vừa dễ quản lý và thành phố có thêm nguồn thu cho ngân sách. Có thể kết hợp với Trường Đại học Kiến trúc, Mỹ thuật… trong việc thiết kế vỉa hè trung tâm, khu phố đi bộ để sinh viên vừa có một sân chơi lớn, vừa thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng xã hội. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là làm sao cho những vỉa hè giúp cho TP.HCM có một bản sắc riêng, có những nét đặc trưng riêng của một thành phố năng động, tiện nghi, khiến ai đến thăm cũng có cảm xúc, ấn tượng đẹp và thú vị. Đó là điều mà TP.HCM hoàn toàn có thể làm được và nên làm nhanh.

Ngân An

Exit mobile version