Với 1 triệu USD, chúng ta dễ dàng nghĩ ra được hơn 1 triệu cách khác nhau để sử dụng số tiền này. Tuy nhiên, khi ấy, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với cả triệu vấn đề khác nhau. Bởi mọi thứ trên đời đều có hai mặt. Để có được khoản tiền lớn đó, chúng ta phải đánh đổi khá nhiều thứ và sau khi có được, chúng ta vẫn phải đánh đổi, đối mặt với nhiều thách thức khác nữa.
Là giám đốc điều hành của Công ty tư vấn luật GreenPal, triệu phú tự thân Bryan Clayton mới đây đã có những chia sẻ thú vị trên trang Gobankingrates.com về những thách thức mà người giàu thường xuyên phải đối mặt.
“Có được tiền bạc đã khó, giữ được tiền bạc ở bên bạn, giúp chúng sinh sôi, phát triển lại càng khó hơn. Tất nhiên, tôi nói như vậy không phải để khoe khoang hay than thở, mà chỉ muốn nhắc nhở những người đang muốn trở thành triệu phú, rằng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi dấn thân vào một trong những cuộc chơi lớn nhất của đời người” – Bryan Clayton chia sẻ.
Tập làm quen với các vấn đề pháp lý
Trên hành trình làm giàu, bạn có thể thỉnh thoảng mới phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, tuy nhiên khi trở thành triệu phú, bạn phải đối mặt thường xuyên với chúng. Bởi sự đố kỵ luôn tràn ngập trong thế giới này, nên sẽ có rất nhiều người cho rằng sự giàu có của bạn là không xứng đáng. Và những người này sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để lấy tiền trong tay bạn – ngay cả khi những lý do họ khởi kiện bạn nghe hết sức vô lý. Bên cạnh đó, để có được sự giàu có, bạn sẽ phải làm rất nhiều việc và trong số những việc bạn đã làm, với mỗi người, sẽ có những góc nhìn, đánh giá khác nhau.
Xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, bắt đầu tự gầy dựng sự nghiệp khi mới mười tám tuổi, Bryan Clayton rất hiểu sự ác cảm của mọi người dành cho người giàu, cũng như trải qua khá nhiều vụ kiện sau khi ông đã thành triệu phú. Đó là các vụ kiện về vi phạm bản quyền, đánh cắp ý tưởng, sở hữu trí tuệ, hợp đồng lao động, thuế, các vấn đề dân sự, thậm chí là vấn đề hôn nhân…
Để đối mặt với các vấn đề pháp lý, Bryan Clayton cũng như đa số triệu phú đều có luật sư riêng. Vì ngay cả khi bạn là một người trung thực, làm giàu một cách chân chính, bạn vẫn không tránh khỏi những vụ kiện nhắm vào mình.
Không tin tưởng tuyệt đối vào ai ngoài chính mình
Là phụ nữ, bạn phải xấu một lần mới biết ai đến với bạn thật lòng. Còn là đàn ông, bạn phải nghèo một lần mới biết ai thực sự đối tốt với bạn. Càng giàu có, bạn càng phải cẩn trọng với các mối quan hệ. Bởi bạn có thể tốt bụng, chân thành, luôn mỉm cười, tìm cách giúp đỡ mọi người, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ làm như vậy với bạn.
Chantay Bridges, một diễn giả, nhà văn và nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng người Mỹ, luôn cho rằng vấn đề khó khăn tiếp theo mà người giàu thường phải đối mặt là về lòng tin. Nói cách khác, nếu trở nên giàu có, bạn rất khó để tin tưởng vào ai đó, vì rất nhiều người sẽ tiếp cận bạn với mục tiêu để lợi dụng hoặc… tiêu diệt bạn.
Họ có thể là bất kỳ ai. Đối tác làm ăn, bạn bè cũ mới, cộng sự, nhân viên cấp dưới, thậm chí là người yêu của bạn… Vì thế, trước khi đặt niềm tin vào bất cứ ai, bạn nên xem xét họ thật kỹ, từ những điểm nhỏ nhất, dù họ có tiếng là đáng tin cậy hay không. Những bài kiểm tra đôi khi cũng nên được áp dụng, bởi hành động luôn nói lên nhiều điều hơn so với lời nói.
Tập sống chung với sức ép đến từ mọi phía
Sự giàu có thường được tạo ra từ một số nguyên tắc, thói quen, lối sống nhất định, đã được rèn luyện và thể hiện sự hữu ích của nó. Chính những nguyên tắc, thói quen này giúp bạn có được và duy trì sự thành công. Tuy nhiên, chính chúng sẽ gây ra áp lực cho bạn. Bởi bạn sẽ phải duy trì phong cách sống này, hoặc nâng chúng lên mức độ cao hơn, nếu muốn tiếp tục thành công.
Trong một nghiên cứu được UBS Investor Watch tiến hành, dựa trên việc khảo sát hơn 2.000 triệu phú tại Mỹ (có tài sản trên 1 triệu USD), hầu hết đều có những lo lắng cũng như phải chịu những sức ép nhất định về việc duy trì nguyên tắc, lối sống của mình. Cụ thể, hơn 52% những người được khảo sát cảm thấy bị sức ép về các vấn đề sức khỏe, trong khi hơn 80% luôn bị ám ảnh về việc làm sao để giữ được các nguyên tắc sống, qua đó giữ được sự thành công luôn ở bên họ.
“Khi bạn có 1 triệu USD, bạn sẽ muốn có 2 triệu, 3 triệu, rồi 4 triệu… Có thể mong muốn đó không phải vì bạn tham lam, luôn muốn nhiều hơn, mà bởi vì bạn muốn an toàn, có thêm tiền để hoàn thành những trách nhiệm bạn đang nắm giữ. Nhưng cũng bởi vì như thế, sức ép sẽ luôn xuất hiện. Điều tốt nhất tôi có thể khuyên bạn, là hãy tập làm quen và sống chung với nó” – Bryan Clayton kết luận.