Tất nhiên, không thể thiếu truyền thống tặng bao lì xì cho trẻ con trong dịp Tết Nguyên Đán ở Châu Á. Có điều, thế giới vốn bao la. Đừng quá kinh hoàng khi thấy người Maasai nhổ nước bọt vào quà rồi mới đưa tặng. Đó là cách thể hiện sự nhiệt tâm lớn nhất của họ. Cũng đừng bất ngờ khi biết ngày xưa, người Pháp lại ôm củi thay vì mang rượu đến mừng tân gia nhà hàng xóm như bây giờ.
Ngày xưa ở Babylon, để dỗ dành ái hậu đang đau khổ vì nhớ cố quốc, vua Nebuchadnezzar II (630-562 trước Công nguyên) đã cho xây hẳn Vườn treo Balylon lừng danh khắp thiên hạ tặng nàng. Còn ngày nay, vào thời gian Harry S. Truman (1884-1972) làm tổng thống, các đồng hương của ông biếu không Nhà Trắng một sàn bowling bóng mượt. Tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng của Mỹ về thực chất cũng là quà tặng để “kết chặt tình thân” từ Pháp. Trên toàn cầu, dọc theo chiều dài lịch sử, tặng quà đã, luôn và sẽ tiếp tục đồng hành. Nó đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng các mối quan hệ, từ quan hệ giữa các cá nhân cho đến quan hệ giữa các quốc gia.
Ngay cả khi bạn nói rằng tặng quà là thói quen trong ADN của con người, điều ấy cũng chẳng có gì là quá đáng. Từ thuở còn chưa thoát lốt vượn, tổ tiên của nhân loại đã biết tặng quà lẫn nhau. Đương nhiên, quà lúc này mới chỉ là thức ăn.
Ở thời kỳ nguyên thủy, khi chưa xuất hiện giai cấp, đối tượng được tặng quà chủ yếu là người mà ai đó muốn được cùng “đầu ấp tay gối”. Bước sang thời kỳ phân chia thứ bậc, đối tượng được tặng quà mở rộng. Quà lúc này cũng không chỉ là đồ vật thể hiện lòng yêu mến, mà còn là cống phẩm tiến cống cho vua chúa, quan lại để cầu thân, thăng quan tiến chức… Dù “của biếu là của lo”, chuyện tặng quà vẫn mỗi ngày một phổ biến. Song nếu gạt đi những mục đích mang tính tư lợi thực dụng, bạn sẽ thấy vẫn còn đó những tục lệ tặng quà trong sáng hệt như ngày thế giới còn đại đồng.
Tục lì xì năm mới
Với nhiều nước ở châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… ngày lễ quan trọng nhất trong một năm chính là Tết Nguyên đán. Nó được bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch hàng năm, kéo dài tối thiếu là 3 ngày. Theo tục lệ thì từ ngày mùng 1 tết, các em nhỏ đã được mặc quần áo đẹp đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng. Sau khi nhận lời chúc từ chúng, người lớn sẽ tặng lại phong bao lì xì mà trong đó có chứa tiền.
Theo dân gian thì tục lệ mừng tuổi trẻ con bằng bao lì xì đỏ đã có từ rất lâu. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc, dần lan rộng ra các nước bị ảnh hưởng văn hóa xung quanh. Tương truyền ngày xưa, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa để hãm hại trẻ con, khiến chúng sốt cao, bệnh tật và mất thần hồn. Thế rồi có vị tiên mách nước cho một gia đình cha già con dại đặt tiền xu bằng đồng dưới gối trẻ con. Khi yêu quái mò tới, nó liền bị ánh sáng từ đồng xu lóe lên làm hoảng sợ và bỏ chạy. Hay chuyện, mọi người liền bắt chước nhau, đời này truyền đời sau, cuối cùng biến tấu thành tục lệ tặng lì xì cho con nít khi năm hết tết đến.
- Xem thêm: Bí mật việc tặng quà và nhận quà biếu
Ngày nay, tiền mừng tuổi không nhất thiết phải là tiền xu, nhưng phong tục bỏ tiền trong hồng bao (bao lì xì màu đỏ) vẫn được giữ lại. Tuy nhiên, hãy có một “quy luật ngầm” là không tặng số tiền có chứa số 4 bởi vì số 4 trong tiếng Hán đọc là “tứ” đồng âm với từ “tử” (chết).
Tặng củi mừng tân gia
Phong tục này rất phổ biến ở Pháp trong thời cổ đại. Tiếc là nó đã không được duy trì. Ngày nay, người Pháp thường mang rượu hoặc thức ăn đi mừng hàng xóm lên nhà mới chứ không ai ôm củi tới. Nhưng thôi hãy cứ tạm gác chuyện này lại và lùi về thời cổ đại, khi người Pháp hào hoa, phong nhã hãy còn tặng củi cho gia chủ của những ngôi nhà mới cất xong.
Tục ăn tân gia đã có ở Pháp từ thời xa xưa. Nó được gọi bằng thuật ngữ “pendaison de crémaillère”, có nghĩa là “móc treo ống khói”, dùng để chỉ vật dụng có hình dạng cái móc được treo dưới ống khói của bếp lò. Với người Pháp ngày xưa, cái móc này rất quan trọng. Họ dùng nó để treo nồi nấu thức ăn. Khi lửa được nổi và nồi được treo lên móc cũng là lúc bữa ăn bắt đầu. Mọi người vây quanh bếp lửa, múc thức ăn từ trong nồi ra chia nhau.
Ngoài việc dùng để nấu nướng, cái bếp lò này còn có tác dụng sưởi ấm cả căn nhà khi đông giá. Người cổ đại rất thực tế. So với những món quà chỉ để trang trí, củi để đốt lửa thiết thực hơn nhiều. Thế nên khi có một ngôi nhà mới xây xong, anh em, chòm xóm sẽ đến chúc mừng với một bó củi trên tay. Họ quây quần bên bếp lửa, vui vẻ ăn uống, trò chuyện. Thêm vào đó, tặng củi còn mang ý nghĩa cầu mong cho ngôi nhà luôn ấm áp.
Thế rồi thời gian trôi, củi vẫn cần thiết, nhưng mất dần đi sự quan trọng ban đầu. Thời hiện đại đến, mang theo đủ các loại bếp ga, bếp điện tiện dụng. Bếp lò dần vắng bóng. Chuyện tặng củi tất nhiên cũng vắng bóng theo. Đôi khi con người cũng phải biến đổi tập quán để thích ứng. Người Pháp chuyển từ tặng củi sang các món quà tân gia hợp thời hơn. Song thú vị là những món quà ấy vẫn chỉ nhằm mục đích tụ họp ăn uống, vui đùa, chủ yếu là rượu, đồ ăn, bánh trái tráng miệng… Trừ khi muốn “chơi nổi”, chẳng ai ở Pháp bây giờ lại ôm củi đi mừng tân gia.
Nhổ nước bọt vào quà
Với phần đông thế giới, chỉ nội việc nhổ nước bọt thôi cũng đã bị coi là bất nhã. Nhưng riêng trong tộc người Maasai sống ở Kenya và Tanzania (2 quốc gia ở châu Phi), nhổ nước bọt lại là biểu hiện chúc mừng nhiệt tình nhất. Theo quan niệm của người Maasai, nhổ nước bọt cũng tương tự như chúc phúc. Họ nhổ nước bọt để chào hỏi, mừng đám cưới, mừng sinh con…
Maasai là một bộ tộc bán du mục chủ yếu sống dựa vào đàn gia súc. Họ tin rằng thứ thiêng liêng, quý giá nhất trên mặt đất là nước và cỏ. Nhờ uống nước và ăn cỏ, con bò mới cho sữa. Còn con người thì dựa vào sữa, thậm chí là cả máu của vật nuôi để giải tỏa cơn khát và sinh tồn. Nước bọt không bị coi là bẩn, mà được xem như thứ nước quý giá nhất trong cơ thể. Nhổ nước bọt là hành động trao tặng “nước quý” của mình cho người khác. Phải cực kỳ thương yêu, quý mến đối tượng, người ta mới nhổ nước bọt lên quà trước khi trao.
Gói quà trước khi tặng
Trong thế giới hiện tại, chuyện gói quà cực kỳ phổ biến. Chúng ta có đủ các thể loại giấy gói và ruy băng thắt nơ đẹp mắt. Nhiều cửa hàng còn thoải mái miễn phí phần gói quà cho khách mua hàng có nhu cầu.
Mặc dù phương Tây là nơi khiến cho xu thế gói quà bằng giấy bọc và cài nơ ruy băng phổ biến, nhưng khởi nguồn của tục gói quà có lẽ là ở phương Đông. Chí ít là từ thời Tam Hàn (thế kỷ IV), người Hàn Quốc đã sử dụng vải bojagi nhiều màu sắc làm vải chuyên dụng gói quà. Tương tự với ở Ai Cập, khác chăng là người Ai Cập gói bằng 2 lần vải. Trung Quốc, Việt Nam cũng sớm thể hiện thói quen trang nhã này. Ngay việc bỏ tiền vào phong bao lì xì trước khi mừng tuổi trẻ con cũng có thể xem là một kiểu “quà được gói”.
Gói quà không chỉ là thẩm mỹ bề ngoài, mà còn ẩn chứa thái độ trân trọng. Một món quà được gói kín kẽ, đẹp đẽ là biểu hiện lòng quan tâm, sự tế nhị. Vài quốc gia còn để ý đến việc chọn màu sắc giấy hoặc vải gói, ví dụ như Trung Quốc tránh màu trắng bởi nó hàm ý tang tóc, Thái Lan tránh màu xanh, còn khu vực Nam Mỹ thì chừa màu tím.
Nhận quà cũng có vài quy tắc bất thành văn cần tuân thủ. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, người nhận thường từ chối trước đôi ba lần, còn người tặng thì cố trao tay, thuyết phục đối tượng nhận cho bằng được bằng những lời lẽ chân tình. Phải “đưa qua đẩy lại” hết vài lượt, người được tặng mới đành nhận cho người đem tặng đẹp lòng. Nhưng xin đừng vội đánh giá là “làm màu làm mè mãi”! Hành động này về thực chất cũng có một ý nghĩa quan trọng phía sau. Đó là “nâng cấp” giá trị của món quà.
Tất nhiên không phải “nâng cấp” giá trị vật chất, cái vốn không thay đổi, mà là giá trị tinh thần. Như câu “của ít lòng nhiều”, món quà quý giá là thứ chứa đựng trong nó vô hạn tình yêu thương, sự chân thành. Từ chối trước là vì sợ mình không hoặc chưa xứng đáng với tấm lòng của người tặng, chứ không phải là “làm cao” hay chê ít chê nhiều.
- Xem thêm: Độc chiêu tặng quà Giáng sinh