Đầu thế kỷ XX, văn học Mỹ lục lại các tác phẩm của văn hào Herman Melville và khiến cả thế giới phát cuồng vì nhân vật Cá voi Moby. Nó không chỉ đáng yêu mà còn cơ trí, thiện chiến hơn bất cứ chiến binh con người nào. Đặc biệt, nguyên mẫu của Moby cũng là… cá. Nó tên Cá voi Mocha, dù về thực chất là cá nhà táng. Con cá này khuấy đảo vùng biển bao quanh Mocha, Chile – địa điểm lừng danh “đảo hải tặc” một thời.
Chú cá huyền thoại
Kỳ thực thì từ năm 1851, Herman Melville (1819-1891) đã giới thiệu nhân vật Cá voi Moby qua tiểu thuyết cùng tên. Tuy nhiên giữa kỷ nguyên săn cá voi này, tác phẩm của ông bị xem nhẹ. Phải sang thế kỷ XX, Melville mới được hậu thế tìm đọc lại và yêu thích đến mức phát cuồng.
Trong lịch sử nhân loại, hoạt động săn bắt cá voi rộ từ thế kỷ XVI. Các nước phương Tây chuộng dầu cá, khai thác cá voi tràn lan ở vùng biển Bắc Bán cầu. Ngoại trừ dùng cho nhu cầu thực phẩm và mỹ phẩm, dầu cá voi còn thiết yếu trong công nghiệp quân sự. Thế kỷ XIX đầy chiến tranh và loạn lạc biến thành giai đoạn lạm sát cá voi. Trên khắp Bắc bán cầu, hàng loạt các trạm mổ xẻ được dựng lên. Hệ thống thuyền đánh bắt đông đảo thì ráo riết lùng sục, săn đến nỗi cạn kiệt nguồn cá voi biển Bắc.
Mocha là hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển Arauco, Chile. Từ những năm đầu tiên của thế kỷ XIX, nó đã được lập làm nơi mổ xẻ. Các thợ săn Chile xuất phát từ địa điểm tạm trú này, tìm kiếm con mồi trên toàn khu vực. Vào năm 1810, họ chạm trán một con cá nhà táng bị bạch tạng. Nó dài khoảng 15m và cực khỏe, chỉ quẫy đuôi thôi cũng đủ đánh chìm thuyền. Họ xem nó như đối thủ nặng ký nhất, đặt tên là Cá voi Mocha.
Suốt từ lúc này cho đến tận năm 1838, Cá voi Mocha chơi đùa và chiến đấu không ngừng nghỉ với cánh thợ săn Chile. Nó phán đoán chính xác lúc nào họ muốn làm thân, còn lúc nào thì trở mặt. Khi thuyền săn không thể hiện thái độ thù địch, Cá voi Mocha vui vẻ đến gần. Nó nhẹ nhàng bơi bên cạnh, phô tấm thân khổng lồ tráng kiện và trắng muốt.
Nhưng nếu súng lao sẵn sàng, nó cũng gạt luôn thái độ thân thiện, phun nước, quẫy đuôi, phóng cả thân mình lên cao rồi đáp xuống phá hủy, đánh chìm thuyền bè. Chưa hết, con cá này còn đầy tinh thần nghĩa hiệp, nhiều lần xả thân cứu đồng loại. Chí ít, nó cũng đối đầu và chiến thắng các thuyền săn cả 100 lần. Cánh thợ săn sợ hãi nhưng cũng khát khao được cận chiến với nó, cứ ra đến biển là dõi mắt tìm.
- Xem thêm: Những hòn đảo mang hình kỳ thú
Phải mất 28 năm, họ mới hạ được Cá voi Mocha. Con cá dũng mãnh này thất thủ vì mải lo cứu một bà mẹ cá voi đang quẫn trí do con non bị giết. Người ta hả hê lôi nó vào bờ Mocha xẻ thịt lấy mỡ, đun thành 100 thùng dầu. Họ cũng lấy lại những cây lao từng bắn trúng và vẫn cắm trên mình nó, đếm được tổng cộng 19 chiếc.
Melville chỉ biết về Cá voi Mocha qua những trang báo, nhưng vẫn bị hớp hồn. Ông dồn hết tâm huyết, viết tiểu thuyết dài nhất trong đời văn của mình – Moby Dick.
Đảo hải tặc
Cá voi Mocha đã khuất bóng nhưng đảo Mocha, nơi nó để lại xương trắng thì vẫn còn đó. Hòn đảo này nằm cách bờ biển Chile khoảng 35km, có diện tích tầm 48km2. So với chú cá nhà táng đã trở thành huyền thoại, nó cũng nổi tiếng không kém.
Bề ngoài, Mocha xinh xắn và đẹp như một giọt nước màu lục giữa biển khơi. Tuy nhiên, rất khó để tiếp cận hòn đảo này. Xung quanh Mocha là sóng dữ bao bọc, chực chờ đánh chìm thuyền bè tiếp cận. Từ trường ở đây cũng vô cùng nhiễu loạn, đến mức không thể định vị bằng la bàn. Trên đảo chỉ có người Mapuche sinh sống. Họ lưu lạc đến đây sau khi may mắn vượt qua nguy hiểm, sinh con đẻ cái và lập làng bản.
Dù không thể ra bên ngoài, người Mapuche vẫn sống khá sung tục nhờ tài nguyên rừng và biển. Họ nuôi và thu lông lạc đà Guanacos làm vải khâu quần áo, ủ rượu ngô. Thỉnh thoảng, Mocha cũng có thuyền lạc trôi vào bờ, song bất cứ ai mon men đặt chân lên cũng bị đánh đuổi ngay lập tức. Mọi chuyện chỉ đổi khác vào thế kỷ XVII, khi các tàu thám hiểm từ châu Âu mang theo đầy công cụ hữu ích ghé bờ. Những thuyền trưởng như Olivier van Noort (Hà Lan), Joris van Spilbergen (Anh)… khôn khéo xin đổi đồ. Người Mapuche nhận ra lợi ích, vui vẻ tiếp đón. Họ mang lương thực dư thừa, đổi lấy các đồ vật bằng kim loại vốn không có ở trên đảo.
Bạn có thể chưa biết, phần lớn các tàu thám hiểm của phương Tây đều… rặt một phường ăn cướp. Họ cần tiếp tế lương thực nên thường tấn công và cướp bóc dọc đường đi, trừ khi đụng phải “thứ dữ” như người Mapuche ở Mocha. Đối với các lục địa và quốc gia khác, họ là hải tặc. Trong thời kỳ cận đại, Chile là thuộc địa của Tây Ban Nha. Giữa các cường quốc châu Âu vốn không có quan hệ hòa hợp, nên cướp bóc từ những vùng đất của đối thủ cũng thành chuyện được phép.
- Xem thêm: Những hòn đảo độc đáo nhất hành tinh
Các thuyền thám hiểm phương Tây đua nhau vơ vét, phá phách những bến tàu, làng mạc khi ngang qua hải phận của Tây Ban Nha. Họ mang đồ ăn cướp tới Mocha, nghỉ ngơi và trao đổi trước khi tiếp tục hành trình. Mocha bị mang tiếp tay cho giặc biển, biến thành “đảo hải tặc”. Vào năm 1685, Tây Ban Nha đưa hẳn một hạm đội đến, phá tan làng mạc và bắt hết cư dân lên thuyền, chở đến bờ sông Biobío trên đất liền ép định cư.
Ngồi không mà hưởng
Sau năm 1685, Mocha vắng tanh bóng người. Nửa đầu thế kỷ XIX, nó chỉ có các thợ săn cá voi tạm trú. Cái chết của Cá voi Mocha cũng đặt dấu chấm hết cho hoạt động săn bắt ở đây vì đã không còn nguồn tài nguyên. Mocha tiếp tục bị bỏ hoang, đến năm 1857 mới được Juan Alemparte (Chile) thuê làm đất canh tác. Nhờ chủ đất mới này đưa nhân công vào khai khẩn, hòn đảo mới dần hồi phục. Ngày nay, nó là nơi cư trú của khoảng 800 người. Không như đa phần chúng ta “tay làm, hàm nhai”, các cư dân ở đây chỉ việc “ngồi không mà hưởng”.
Mocha được bao bọc bởi sóng dữ và từ trường nhiễu loạn. Trước, trong và cả sau thời kỳ nức danh “đảo hải tặc”, nó vẫn luôn là mồ chôn của các thuyền bè. Vào năm 1960, thuyền Santiago đang đậu ở cảng Corral, cách Mocha 160km cũng bị sóng thần đưa tới tận đây. Dưới lòng biển và bãi cát quanh Mocha là bạt ngàn các kho báu. Người dân trên đảo còn tin, thuyền chở vàng Rosetta cũng đắm trong khu vực này. Thay vì vất vả cày cấy, họ chọn lặn biển trục vớt “của chìm” hoặc bới bãi cát kiếm “của dạt”.
Ngoài ra, nhờ nhiều năm bị bỏ hoang, thế giới tự nhiên của Mocha phát triển mạnh mẽ. Nó trở thành nhà của chí ít 70 loài lông vũ, trong có chim Puffinus creatopus cực kỳ quý hiếm. Giữa thời đại du lịch sinh thái bùng nổ, Mocha quy hoạch hẳn 45% diện tích làm đất bảo tồn. Chỉ với “của nổi” này, nó đã đủ nuôi sống số dân cư vốn ít ỏi.
Hiện tại, Chile không có tàu thuyền phục vụ ra vào Mocha. Đổi lại, họ sắp đặt trực thăng 6 chỗ ngồi đưa đón bằng đường hàng không. Trên Mocha chỉ có đường đất và 2-3 cửa hàng tạp hóa. Người dân ở đây cũng rời đảo bằng trực thăng vì các mục đích như đi chơi, đi học và cả đi… bệnh viện.