Chúng tôi đến thủ đô Colombo của Sri Lanka một ngày giữa tháng Tư tiết trời nóng như đổ lửa.
Mục đích chuyến đi là muốn biết đất nước này có gì đặc biệt khiến nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới ca ngợi là “viên ngọc của Ấn Độ Dương”, là kỳ quan châu Á…
Sau chuyến đi, điều đọng lại trong lòng chúng tôi không chỉ là những di tích và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú, mà còn ở lễ hội đón năm mới Sinhala – Tamil thật độc đáo.
Hành trình tươi đẹp khám phá thị trấn Elle
Sri Lanka có môi trường sinh thái còn nguyên sơ, ít bị tác động bởi bàn tay con người. Ở khắp nơi, trên đường phố, trong đền chùa, trong nhà người dân và trên cây xanh, có rất nhiều loài chim muông, công, sóc…, và nhiều nhất là khỉ cộng sinh.
Một lần lang thang trong công viên, tôi giật mình bởi cả đàn khỉ đua nhau chuyền cành phía trên đầu, chỉ cách vài ba mét. Ở Sri Lanka còn có rất nhiều công viên quốc gia để du khách tha hồ ngắm các loài động vật hoang dã.
Muốn biết thiên nhiên Sri Lanka tươi đẹp và kỳ diệu đến mức nào, bạn phải trải nghiệm cung đường sắt từ Kandy đến Ella chỉ 70km mà thời gian di chuyển đến sáu tiếng đồng hồ. Đoàn tàu chậm chạp trườn lên dốc, uyển chuyển uốn mình quanh những đồi trà và những hàng cây cổ thụ.
May mắn có được một chỗ ngồi cạnh cửa sổ, tôi nhoài người ra khỏi toa xe, nhìn phía trước, rồi quay phía sau mỗi khi tàu đi qua những đoạn cong bên triền đồi để ngắm đoàn tàu di chuyển giữa không gian xanh mướt.
- Xem thêm: Đầu năm hành hương về đất Phật
Nhiều du khách còn mạo hiểm hơn, ngồi hẳn trên bậc lên xuống tàu (không đóng cửa khi tàu chạy), tạo dáng để có những bức ảnh selfie đáng nhớ trên cung đường được xem là “thiên đường trà” của Sri Lanka.
Cầu Chín Nhịp độc đáo ở Ella có ý nghĩa quan trọng với người Sri Lanka, không chỉ vì nó là mắt xích thiết yếu trong hệ thống tàu hỏa ở Sri Lanka, mà còn bởi câu chuyện đầy tính nhân văn đằng sau đó.
Được thiết kế bởi một tay trống chứ không phải kỹ sư xây dựng, cầu Chín Nhịp được xây hoàn toàn bằng xi măng, gạch, đá, không có chút thép nào (do sự thiếu hụt vật liệu trong Thế chiến I).
Tay trống có tên là P.K. Appuhami đã dùng tính mạng của mình đảm bảo chất lượng cây cầu bằng cách nằm giữa đường ray khi chuyến tàu đầu tiên đi qua. Appuhami được trả công xứng đáng nhưng toàn bộ số tiền có được anh đã dùng phân phát cho người nghèo.
Lễ hội đón năm mới nhiều màu sắc
Những ngày rong ruổi từ thủ đô Colombo đến thành phố Kandy, từ thị trấn Ella đến phố cổ Galle, dễ dàng thấy được không khí nhộn nhịp trên khắp phố phường.
Một người bạn mà chúng tôi quen ở thủ đô Colombo cho biết người dân đang chuẩn bị đón năm mới Sinhala – Tamil, một trong những lễ hội lớn nhất Sri Lanka, được tổ chức vào ngày 14-4 hằng năm.
Tên của lễ hội được ghép từ tên hai dân tộc có số dân đông nhất nước: người Sinhala (74% dân số) và người Tamil (18%).
Buổi sáng cuối cùng trước khi rời Sri Lanka, chúng tôi tản bộ trên con đường Sea Street trước mặt khách sạn chúng tôi lưu trú. Vừa bước ra đường, chúng tôi ngạc nhiên trước không khí náo nức đón năm mới.
Do hầu hết người dân ở khu phố này là người Tamil theo đạo Hindu nên lễ hội đón năm mới đậm màu sắc Ấn Độ giáo.
Nhà nào cũng trang trí trước cửa với hai cây chuối còn nguyên hai quầy trĩu quả cùng một tháp dừa rất to.Hỏi người dân chúng tôi mới biết dừa và chuối là hai loại quả tinh khiết nhất bởi không được trồng từ hạt người ta vứt đi sau khi ăn.
Cây dừa con nảy mầm từ bên trong quả dừa còn nguyên vẹn, cây chuối con được sinh ra từ gốc thân chuối mẹ. Vì thế, dừa và chuối là những vật phẩm không bị hoen ố, nhiễm bẩn, được chọn để dâng cúng.
Người địa phương còn giải thích thêm chuối là biểu tượng của sự sống vĩnh cửu, bởi cây sinh sôi không ngừng và bởi giá trị “đa dụng” từ thân, lá, quả.
- Xem thêm: Sri Lanka, Hòn ngọc trên Ấn Độ Dương
Vào năm mới (và nhiều lễ hội quan trọng khác cũng như vào ngày tổ chức đám cưới), nhà nào cũng trang trí hai cây chuối với cả quầy chuối đang trĩu quả, với mong muốn sẽ có được sự sung túc, ấm no và hạnh phúc.
Trước cửa nhà còn đặt một tháp dừa to cả trăm quả, các gia đình đứng xếp hàng, tay bưng vật phẩm, chờ đợi khi chiếc xe rước thần Shiva đi ngang qua để dâng cúng.
Chúng tôi lại thêm bất ngờ khi thấy những người đàn ông lấy dừa từ tháp dừa dâng cúng ném mạnh vào nền đường cho chúng vỡ ra.
Tín đồ Ấn Độ giáo cho rằng khi đập vỡ những quả dừa, họ sẽ phá vỡ cái bản ngã của mình, chứng minh họ là vô ngã thuần khiết, để đấng tối cao có thể nhìn thấy tận bên trong thân tâm, họ hoàn toàn phục tùng tín ngưỡng mình đã theo.
Quả dừa được đập vỡ sẽ để lộ phần cơm dừa và nước dừa tinh khiết, tượng trưng cho sự trong sạch và tinh tấn như linh hồn của họ. Có như thế thần linh mới có thể nhìn thấy bản ngã của họ để cứu rỗi linh hồn họ.
Thật ra, lúc lên kế hoạch du lịch Sri Lanka, chúng tôi không hề biết trước mình đến đất nước này đúng dịp đón mừng năm mới, nên hoàn toàn bất ngờ khi được hòa mình vào không khí lễ hội đậm màu sắc tôn giáo nơi đây.
Đã từng biết lễ hội Songkran đón mừng năm mới ở Thái Lan, Tết Bunphimay cổ truyền của dân tộc Lào, Tết Thingyan truyền thống của người Myanmar, nhưng với tôi, lễ hội đón năm mới Sinhala và Tamil của người Sri Lanka quả là một trải nghiệm hết sức thú vị.