Ả Rập Saudi, quốc gia sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới, có thể phá sản chỉ sau vài năm nữa, theo một dự báo mà hãng tin CNBC vừa đưa ra tuần qua.
Dự báo của CNBC dựa trên kịch bản không có sự thay đổi lớn nào về kinh tế xảy ra ở Ả Rập Saudi hay một sự kiện địa chính trị nào đó ảnh hưởng đến nước này. Dự báo cũng dựa trên khả năng giá dầu tiếp tục ở mức thấp – ngưỡng giá mà các chuyên gia là sẽ duy trì trong một thời gian nữa.
Đợt giảm giá chóng mặt của dầu thô đang khiến ngân sách quốc gia của nước này gặp thách thức lớn, Chính phủ đã phải cắt giảm chi tiêu và cân nhắc bán cổ phần trong tập đoàn dầu lửa quốc doanh Aramco.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Ali Al-Naimi tuyên bố nước này, Qatar, Venezuela và Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận giữ nguyên sản lượng đạt được mới đây. Tuy nhiên, ông Al-Naimi khẳng định rằng sẽ không có chuyện Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng dầu.
Tuần trước, bốn nước nói trên nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1-2016 nhằm chặn đà lao dốc của giá dầu.
Nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, trong đó có Ả Rập Saudi, đang phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu bởi nguồn thu từ vàng đen ngày càng đi xuống. Những nước giàu hơn như Qatar và Kuwait đang cố gắng cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn, trong khi những nước nghèo hơn như Libya chìm sâu hơn vào bất ổn xã hội và nội chiến.
Trên thế giới hiện có năm nền kinh tế bị tổn thương mạnh nhất vì giá dầu tuột dốc:
Venezuela: nguồn lợi chính là dầu và là một trong những nước có nguồn dầu lớn nhất trên thế giới. Lợi tức từ dầu dùng để trả nợ, chi phí xã hội, hoạt động của chính phủ. Giá dầu xuống dốc làm nước này đạt mức lạm phát 150% năm 2015 và hứa hẹn lạm phát 200% cho năm 2016.
Ả Rập Saudi: 75% nguồn lợi của nước này từ dầu, vì vậy nguồn tiền bị cạn đi mau chóng do dầu hạ giá, khiến họ bị thâm thủng mậu dịch 100 tỉ USD vào 2015, con số ấy chắc chắn cao thêm vào 2016.
Nigeria: nước sản xuất dầu lớn tại châu Phi cũng gặp rối loạn kinh tế vì 75% lợi tức chính phủ là từ dầu, 90% hàng hóa xuất cảng của Nigeria chỉ là dầu thô. Hiện Chính phủ không có khả năng trả lương, nhiều công nhân hàng mấy tháng trời không nhận đồng lương nào.
Nga: gần 50% lợi tức của Chính phủ Nga đến từ dầu và khí đốt. Thời gian qua lại phải chịu sự trừng phạt của phương Tây do chiếm Crimea nên hiện nay kinh tế Nga càng khủng hoảng vì mất hết nửa lợi tức. Theo IMF, GDP của Nga mất 3,8% năm 2015.
Iraq: dầu hạ giá quá mức làm tài chính Iraq không đủ sức cung ứng cho chiến tranh chống lại ISIS. Dù năm nay Iraq cung ứng hết mức sản lượng dầu nhưng vẫn không bù nổi vì giá xuống quá thấp.
V.Đ (DNSGCT)