Nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền đe dọa thế giới đã ló dạng.
Chỉ trong vòng hai tháng, trị giá đồng yen của Nhật giảm đến 10% so với đồng USD và 20% đối với euro.Nguy cơ chiến tranh tiền tệ là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận vừa diễn ra trong khối sử dụng đồng euro cũng như trong nhóm G20.
Tại cuộc họp của nhóm đồng tiền chung euro, Pháp nêu vấn đề trị giá cao của đồng euro cản trở chính sách ngoại thương và làm tiêu tan hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng xuất khẩu. Tại thủ đô nước Nga cuối tuần qua, nhóm G20 gồm các quốc gia phát triển nhất thảo luận về viễn cảnh kinh tế toàn cầu bị đe dọa vì những biện pháp hạ giá các đơn vị tiền tệ chính yếu trên thế giới, trừ đồng euro.
Cuộc họp của G20 ở Moscow
Nhật Bản bị cáo buộc “khơi ngọn lửa chiến tranh tiền tệ”, nhưng trên thực tế từ năm năm qua, hầu hết các cường quốc kinh tế, trừ khối đồng tiền chung euro, đều đã điều chỉnh đồng tiền quốc gia nhằm kích thích kinh tế.
Cường quốc xuất khẩu số một thế giới là Trung Quốc đã kềm giữ đồng nhân dân tệ thấp hơn trị giá thật, như là vũ khí để thúc đẩy xuất khẩu. Bị Hoa Kỳ phản đối, Bắc Kinh miễn cưỡng thả nổi tỷ suất hối đoái 2% mỗi năm, thay vì phải 10% theo nhịp độ tự nhiên của thị trường.
Hoa Kỳ cũng không hề kém cạnh trong cuộc chạy đua. Sau đợt khủng hoảng nợ xấu năm 2008, Ngân hàng Liên bang Mỹ liên tục hạ lãi suất chỉ đạo và tung thêm USD ra thị trường để tài trợ cho các kế hoạch chấn hưng kinh tế và xuất khẩu. Tại châu Âu, Anh cũng áp dụng cùng biện pháp để hạ giá bảng Anh.Tuy kết quả không rõ nét bằng Hoa Kỳ, nhưng từ một tháng nay, bảng Anh mất 6% trị giá so với euro.
Cũng từ một tháng nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đi theo con đường này. Cuối cùng, chỉ có Ngân hàng Trung ương châu Âu còn chậm chân. Lo ngại kinh tế vùng đồng tiền chung euro bị thua thiệt và những nỗ lực cải cách kinh tế bị cuốn trôi, Chính phủ Pháp kêu gọi phải có một chính sách hối đoái co giãn hơn. Tuy nhiên, Chính phủ Đức với nỗi ám ảnh lạm phát của thập niên 1920 mở đường cho chế độ Quốc xã, đã chủ trương duy trì đồng euro vững mạnh. Nguy cơ vùng Eurozone bị cô lập có lẽ khó tránh được.
Vấn đề là, nếu tất cả các quốc gia đều phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu thì sau những hiệu quả đầu tiên, như vực dậy được sản xuất, chẳng chóng thì chầy chính sách này sẽ đưa đến hậu quả không mong muốn là lạm phát. Trong quá khứ, cuộc chiến tranh tiền tệ đầu tiên xảy ra vào năm 1930 tiếp theo khủng hoảng 1929 và nạn lạm phát phi mã tại Đức mà hậu quả cuối cùng là bùng nổ Thế chiến thứ hai.
Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jens Weimann đã lên tiếng bày tỏ lo ngại thế giới sẽlao vào một cuộc đua phá giá tiền tệ, thay vì tập trung công sức giải quyết nợ công.
L.V.Đ