Các mô hình đào tạo âm nhạc hay những môn nghệ thuật khác ngày càng đa dạng, đáp ứng một cách cụ thể hơn từng nhóm học viên khác nhau. Không nhất thiết phải là những khóa học dài hạn, hay chính quy, các trường và trung tâm âm nhạc hiện nay đã đi vào thực tế nhu cầu xã hội để tạo ra những người tham gia nghệ thuật kịp thời, kịp lúc hơn.
Đáp ứng nhu cầu xã hội
Trước kia, khi nghĩ đến chọn một môi trường đào tạo chuyên về các lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, thì hệ thống các nhạc viện, học viện âm nhạc, hay những trường sân khấu điện ảnh, các đoàn nghệ thuật quân khu… ở cấp địa phương và quốc gia vẫn là sự lựa chọn thích hợp, mang tính chất quy cũ nhất. Nhưng hiện nay, khi trải qua một giai đoạn xã hội hóa cả công tác đào tạo, hoạt động và tổ chức trong văn hóa – nghệ thuật, các bạn trẻ đã có nhiều chọn lựa hơn.
Nhu cầu được học các lĩnh vực nghệ thuật như đàn, hát, nhảy, múa… ngày càng nhiều. Đó không chỉ có một mục đích duy nhất là học để trở thành nghệ sỉ, hay những người hoạt động chuyên nghiệp sau này, mà còn là những khóa học mang tính chất bổ trợ, nâng cao năng khiếu bên cạnh việc học văn hóa. Nhưng, số lượng các bạn trẻ tìm đến với trường âm nhạc để mong có cơ hội phát triển con đường ca hát sau này cũng không hề nhỏ. Với mức độ phát triển đến chóng mặt của thị trường âm nhạc, mở rộng về cả hình thức ca sĩ, mô hình tổ chức sân khấu và các cuộc thi, nhu cầu học nhanh, học đủ và kịp thời đã tạo nên nhiều sự thay đổi trong các trường âm nhạc hiện nay.
Thanh Bùi
Ngoài khoa nhạc nhẹ ở Nhạc viện TP.HCM, hiện nay, có khá nhiều trường đào tạo ca sĩ hát nhạc nhẹ đã hình thành. Thông thường những trường như thế này hoạt động theo mô hình liên kết là chính, không đào tạo một đội ngũ giáo viên hay tuyển vào công khai, mà đa số vẫn là hợp tác với những nhạc sĩ, ca sĩ… có khả năng, nổi tiếng và có độ ảnh hưởng nhất định trong đời sống âm nhạc để giảng dạy. Ví như Học viện Âm nhạc Soul của ca sĩ Thanh Bùi, anh đã mời những giảng viên từ Nhạc viện như Triệu Yên… về giảng dạy. Hay Trường Nhạc nhẹ MPU có hiệu trưởng là nhạc sĩ Đức Trí… Và mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đã cho ra mắt trung tâm đào tạo các em nhỏ yêu thích những môn nghệ thuật tại Nhà thiếu nhi quận 10. Góc nhìn của học sinh sinh viên khi chọn một trường âm nhạc để học hiện nay rất khác, đặc biệt là nhạc nhẹ.
Đến với những trường nhạc nhẹ hay trung tâm ca nhạc nhẹ thế này, học viên có thể có nhiều chọn lựa hơn. Đa phần các trường tăng cường thêm những lĩnh vực phụ trợ như: nhảy múa, sáng tác, chơi nhạc cụ, hòa âm phối khí, dựng phim… Đó là một hướng đi có thể nói tích cực và ít nhiều đang mong muốn tạo ra những lớp nghệ sĩ mới tổng hợp, năng động hơn theo mô hình những nước có nền giải trí phát triển. Đến tham gia một chương trình tổng kết báo cáo của Trường Nhạc nhẹ MPU mới thấy, nhu cầu được học các môn nghệ thuật không riêng gì ca hát là rất lớn ở người trẻ hiện nay. Chính những ngôi trường thế này, góp phần rạo ra một môi trường hoạt động văn hóa hiện đại, mới mẻ và ít nhiều có tính định hướng.
Không chỉ thu hút học viên bằng những cái tên nổi tiếng trong showbiz, các trường và trung tâm đào tạo chú trọng hơn đến việc cố gắng tạo nên người tài. Như Trường Nhạc nhẹ MPU trao học bổng cho học sinh, Học viện Âm nhạc Soul thì liên minh với trường quốc tế để cấp bằng cho học viên… Bên cạnh đó, việc chọn một nhóm học viên nhỏ tuổi để đào tạo cũng là xu hướng tích cực nếu đó là việc làm nghiêm túc như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang chọn lựa cho trung tâm của mình, để giúp các em nhỏ có cơ hội được học những môn năng khiếu tốt nhất và bài bản, đầy đủ chất lượng cũng như phù hợp với thực tế.
Học viên đi về đâu?
Câu hỏi rất lớn mà cả xã hội chúng ta quan tâm đó là sau khi tốt nghiệp những trường âm nhạc thì học viên sẽ hoạt động và phát triển nghề nghiệp như thế nào? Đương nhiên, ở đây chỉ khoanh vùng những học viên có ý định phát triển con đường nghệ thuật. Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe nói nhiều về không ít ca sĩ trẻ đang theo học các trường chính quy, sau một thời gian ra hát nhạc nhẹ thì gần như các em đã bỏ dở việc học. Tuy nhiên, vẫn có những ca sĩ đã biết cách thích nghi với thực tế hoạt động âm nhạc của mình, và duy trì được việc học một cách truyền thống, tạo được cái nhìn rất tích cực như: Hồ Quỳnh Hương, Võ Hạ Trâm… Rõ ràng, chọn lựa một hướng phát triển sau khi học các lớp học, hay khóa học, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân học viên, chứ không hẳn là trách nhiệm của các trường, trung tâm…
Đàm Vĩnh Hưng và các học trò nhỏ
Tuy nhiên, vẫn có không ít trường tìm cách giới thiệu học viên của họ vào những cuộc thi để tạo cơ hội và cho thấy năng lực thành công của chính mình. Vì vậy, khán giả sẽ không bất ngờ khi thấy học trò của ca sĩ Thanh Bùi thành công trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí. Và chính các cuộc thi âm nhạc, show truyền hình thực tế hiện nay cũng xem những trường đào tạo như thế này là nơi mà họ sẽ tìm ra những thí sinh tiềm năng. Nếu như trước kia, việc tuyển thí sinh cho một cuộc thi có khi là bị động, phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn, thì nay các chương trình đã có động thái liên kết, tìm kiếm từ nguồn những học sinh, học viên của các trường âm nhạc, nghệ thuật.
Từ những tác động qua lại đó, nảy sinh nhiều hình thức liên kết để tạo ra các sản phẩm của việc đào tạo mới. Có thể xem, một ca sĩ hay nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay là “sản phẩm” của một công nghệ khép kín từ khâu đào tạo ban đầu, đến việc những cuộc thi săn đón và lăng-xê, thứ ba chính là nhà sản xuất tham gia để làm ra sản phẩm âm nhạc. Vì vậy, hiện nay, các trường âm nhạc gần như không hoạt động riêng lẻ nữa, nó có sự liên minh thấy rõ, và học viên cũng có nhiều chọn lựa hơn để phát triển con đường của mình. Nhưng ở mỗi dạng thức và mô hình đều có điểm yếu của nó. Nếu như các bạn trẻ cứ chạy theo một hình thức học nhanh, thực dụng để sớm nổi tiếng thì sự định hướng có bài bản, tử tế, nghiêm túc của khâu đào tạo ở những trường âm nhạc lại càng được quan tâm nhiều hơn.
Hưng Phạm