Nếu không nhờ bộ phim Guardians of the Galaxy, ắt hẳn rất ít bạn trẻ 9X có thể biết đến Blue Swede hay Redbone, thậm chí, không biết đến Walkman là gì. Và đĩa nhạc phim Guardians of the Galaxy: Awesome Mix Vol.1 với những tên tuổi từ thập niên 70 đã leo lên hạng nhất trên danh sách album nhạc số bán chạy nhất của cả iTunes lẫn Amazon.
Âm nhạc giữ một vai trò quan trọng trong bộ phim, gần như là một nhân vật có sự sống, có sẵn trong kịch bản chứ không chỉ là những bản nhạc lồng ghép làm nền. Trải dài khá lâu trước khi chiếu, trailer của Guardians of the Galaxy đã sử dụng bài Hooked on a Feeling của Blue Swede đã gây được sự chú ý: Lập tức có 2.000 lượt download ngay sau ngày trailer được tung ra, tăng 700% so với ngày trước đó! Mở đầu phim là I’m not in Love của nhóm 10 CC từ cuộn băng cassette mà mẹ của nhân vật chính Peter Quill trao cho anh trước khi qua đời. Từ đó, cuộn băng mà Quill nghe trên chiếc máy Walkman đi theo anh xuyên suốt, chính là sự kết nối của anh với trái đất, với gia đình mà anh đã đánh mất. Tiếp theo I’m not in Love, bộ phim được tua nhanh đến 26 năm sau, Quill lớn lên nhưng cuộn băng cassette vẫn đi theo anh từng bước chân. Trong cả hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn đi nữa, chàng trai vẫn cắm tai nghe và nhảy múa theo Come and Get Your Love của nhóm rock người da đỏ Redbone hay O-o-h Child của Five Stairsteps.
Giới trẻ giờ đây thường chỉ gửi tặng nhạc cho nhau bằng những đường link internet. Nhưng cách đây vài chục năm, việc tuyển chọn, tặng nhau những băng cassette là chuyện rất quen thuộc. Với băng cối, với đĩa nhựa, với băng cassette, chọn nghe được đúng bài hát mình thích hơi mất công, bạn phải tua băng, phải nâng cần kim để dò tới đúng đoạn yêu thích, khác xa với việc chỉ bấm nút khi xài CD hoặc dễ hơn nữa là nhấp chuột khi nghe nhạc qua máy tính. Vì vậy, thu lại những bài hát mình thích vào một cuộn băng để nghe, để chia sẻ là chuyện mà fan yêu nhạc “chân chính” thời xưa nào cũng làm.
Đích thân đạo diễn James Gunn chọn các ca khúc trong phim. Anh muốn chọn những cái tên có vẻ hơi quen thuộc: “Bạn có thể nhận ra bài hát nhưng không nhớ được ca sĩ hay ban nhạc trình bày”. Quá trình tuyển chọn được James mô tả cũng thú vị: “Tôi bắt đầu đọc lại bảng xếp hạng Billboard để tìm những bài hit của thập niên 70. Tôi tải xuống cỡ vài trăm bài và từ đó, tôi tạo một playlist trên iTunes cỡ 120 bài hát phù hợp với bộ phim. Playlist này tôi nghe thường xuyên trên hệ thống loa ở nhà. Đôi khi, tôi có cảm hứng cho một cảnh dựa trên một bài hát, đôi khi, tôi có một cảnh cần âm nhạc thích hợp và tôi sẽ nghe lại playlist này, hình dung xem bài nào hợp nhất”. Các bản nhạc này cũng được mở khi đang quay phim để cả diễn viên lẫn quay phim có được cảm xúc phù hợp.
[soundcloud]https://soundcloud.com/redphantom2/erered222[/soundcloud]Nói về không gian viễn tưởng ngoài hành tinh thì thập niên 70 có những cái tên không thể bỏ sót như David Bowie, Electric Light Orchestra, Hawkwind…Hình tượng Ziggy Stardust của David Bowie là một dấu ấn văn hóa rất quan trọng của thập niên này. Nhưng bài Moonage Daydream lại là bản nhạc duy nhất được thêm vào trong phần hậu kỳ. Ca khúc này được sử dụng trong cảnh có nhân vật Collector do Benicio del Toro thể hiện, một khung cảnh cần sự mơ màng, ảo diệu. Thật ra, David Bowie không phải là lựa chọn duy nhất cho đoạn này. Đạo diễn James Gunn còn có thêm vài lựa chọn âm nhạc khác là bài Wichita Lineman của Glenn Campbell hoặc Mama Told Me Not to Come của Three Dog Night. Nhạc của nhóm ELO thật sự rất thích hợp với bộ phim nhưng James không tìm được khung cảnh thích hợp: “Có một cảnh được dựng trên bài Livin’ thing của ELO nhưng bản dựng cuối cùng đã cắt bỏ cảnh này. Tôi không muốn cắt đi chút nào, tôi rất thích cảnh đó nhưng cắt đi lại tốt cho tổng thể bộ phim”. Fooled around and Fell in Love của Elvin Bishop cách đây vài năm đã được Rod Stewart hát lại trong đĩa Still the Same… Great Rock Classics of Our Time. Hooked on a Feeling trước đây vốn đã được Quentin Tarantino (một đạo diễn có tài sử dụng nhạc khéo léo) dùng trong phim Reservoir Dogs nhưng vẫn có hiệu quả rất tốt trong Guardians of Galaxy. Cuối phim nhân vật Groot trong dáng vẻ của cây non đã nhảy múa theo I Want You Back của Jackson 5 với giọng hát lảnh lót đặc trưng của Michael Jackson.
[soundcloud]https://soundcloud.com/btjack22/i-want-you-back-the-jackson-5[/soundcloud]Yếu tố hài hước, châm biếm của phim không chỉ trong lời thoại mà còn trong sử dụng âm nhạc rất khéo. Ví dụ như đoạn vượt ngục, bản Escape của Ropert Holmes được sử dụng. Nghe cái tên có vẻ phù hợp nhưng thật ra Escape, còn có tên là The Piña Colada Song, kể về một người đàn ông, chán ngán mối quan hệ tình cảm hiện tại vì sự lặp đi lặp lại. Anh tìm đọc được mẫu quảng cáo tìm bạn trên báo và một người đã gây được sự chú ý của anh: một phụ nữ tìm người đàn ông thích món cocktail piña colada, bên cạnh nhiều điều lãng mạn vặt vãnh khác. Anh viết thư gửi đến người đó và họ hẹn hò tại quán bar O’Malley’s để hoạch định về một sự trốn chạy khỏi thực tại. Hóa ra, người phụ nữ đó chính là người vợ mà anh chán ngán bấy lâu. Bài hát kết lại với giai điệu lạc quan, cho thấy cả hai không bị tẽn tò bởi hoàn cảnh mà trái lại, nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung hơn họ nghĩ và không cần phải tìm đến một ai khác nữa.
[soundcloud]https://soundcloud.com/tompettyandtheheartbreakers/ad-plan-b[/soundcloud]Vài chi tiết văn hóa thập niên 80 cũng được nhắc đến như phim đầy chất nhạc Footloose với Kevin Bacon. Để quay phim thì 16 chiếc máy Sony Walkman được tập hợp để làm đạo cụ. Các máy này phải theo kiểu cổ, trong khoảng thời gian 1979-1981.
Cùng lúc với nhạc phim Guardians of the Galaxy, hai tên tuổi cựu trào khác cũng hồi sinh dòng nhạc của thập niên 70: Tom Petty trở lại với đĩa Hypnotic Eye xếp nhất Billboard, hạng 2 là đĩa The Breeze của Eric Clapton để tôn vinh JJ Cale (người đã giúp Eric Clapton tìm lại định hướng âm nhạc trong thập niên 70) còn hạng 3 chính là đĩa nhạc phim Guardians of the Galaxy.
Trí Quyền