Trầm cảm thường gặp ở trẻ vị thành niên và trầm cảm ở tuổi teen có thể khác với trầm cảm nơi người lớn. Khi bị trầm cảm, trẻ em tuổi teen dường như dễ cáu giận hơn là buồn bã.
Nhưng không phải tất cả các loại trầm cảm đều như nhau. Từ “trầm cảm” được dùng để mô tả những trạng thái khác nhau, với bốn loại trầm cảm ảnh hưởng đến lứa tuổi teen. Việc nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm cho lứa tuổi này. Và can thiệp sớm là mấu chốt giúp điều trị thành công.
1. Rối loạn điều chỉnh, chán nản thất vọng
Rối loạn điều chỉnh xảy ra như một phản ứng trước biến cố. Chuyển đến trường mới, cái chết của một người thân hoặc phải đối mặt với việc cha mẹ ly dị là những thay đổi có thể gây ra chứng rối loạn điều chỉnh ở trẻ tuổi teen. Chứng rối loạn điều chỉnh bắt đầu vài tháng sau biến cố và có thể kéo dài đến sáu tháng. Nếu các triệu chứng vẫn còn sau sáu tháng có lẽ đây là một chứng bệnh khác.
Rối loạn điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, kết quả học tập và hoạt động xã hội. Phương pháp trị liệu qua trò chuyện có thể dạy cho trẻ những kỹ năng mới nhằm giúp trẻ ứng phó với tình huống căng thẳng.
2. Trầm cảm dysthymia
Dysthymia là hình thức nhẹ và trung bình của bệnh trầm cảm, kéo dài khoảng hơn một năm. Trẻ vị thành niên với chứng trầm cảm dysthymia thường cáu giận, ít năng lượng, tự ti và cảm thấy vô vọng. Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ có thể bị rối loạn. Thường thì trầm cảm dysthymia cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ra quyết định.
Mặc dù không nghiêm trọng như trầm cảm nặng nhưng thời gian bệnh kéo dài có thể gây tổn hại nhiều đến cuộc sống của trẻ, tác động đến việc học tập, giao tiếp xã hội và hoạt động nói chung. Chứng trầm cảm này cũng làm cho teen dễ tổn thương hơn với những chứng rối loạn tâm trí khác. Phương pháp trị liệu hành vi nhận thức và thiền định thường rất hiệu quả trong điều trị trầm cảm dysthymia.
- Xem thêm: Khi “teen” căng thẳng quá mức!
3. Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) biểu hiện qua những giai đoạn trầm cảm chen lẫn với hưng cảm (mania) hoặc hypomania (một dạng nhẹ hơn của hưng cảm). Những triệu chứng của hưng cảm bao gồm giảm nhu cầu ngủ, khó tập trung và nóng tính. Trong giai đoạn hưng cảm, teen thường nói nhanh, cảm thấy rất vui hoặc ngớ ngẩn và sẵn sàng tham gia một hành vi nguy hiểm. Nhiều trẻ vị thành niên can dự vào hành vi tình dục nguy hiểm trong thời gian hưng cảm.
Chứng rối loạn lưỡng cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hằng ngày của trẻ tuổi teen. Sự thay đổi tâm trạng cũng tác động đến việc học và quan hệ bạn bè. Rối loạn lưỡng cực có thể trị được nhưng không thể chữa lành. Điều trị chứng này thường kết hợp giữa thuốc và trị liệu.
4. Trầm cảm trầm trọng
Đây là dạng trầm cảm nghiêm trọng nhất. Những triệu chứng của trầm cảm nặng bao gồm buồn bã triền miên và dễ giận dữ, đề cập tới tự tử, thờ ơ với các hoạt động có thể mang lại niềm vui và thường xuyên bị đau về thể chất.
Trẻ nhỏ (chưa dậy thì) có tỷ lệ trầm cảm ngang bằng nhau xét theo giới tính. Nhưng sau thời gian dậy thì, tỷ lệ thiếu nữ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm là cao gấp đôi. Trầm cảm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt trong gia đình và trường học. Việc điều trị thường bao gồm các phương pháp trị liệu và có thể cần cả thuốc đặc trị.
Thường thì người lớn không nhận ra những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên nên nhiều trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu bạn để ý thấy những thay đổi tâm trạng hoặc hành vi kéo dài hơn hai tuần, thì nên hẹn gặp bác sĩ và miêu tả các triệu chứng mà bạn đang thấy nơi trẻ.
Khi nói chuyện với con, hãy thể hiện rõ rằng bạn không nghĩ con yếu đuối hay “điên rồ” mà nên đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần cũng tương tự như một vấn đề sức khỏe thể chất. Đồng thời giải thích với trẻ rằng các vấn đề cảm xúc cũng cần được chữa lành tương tự như chữa bệnh cho cơ thể. Ngoài những gì bạn có thể làm ở nhà, đôi khi, trầm cảm cần được khám và chữa bệnh.
Các bác sĩ nhi khoa có thể sẽ giới thiệu bạn với một nhà trị liệu tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để tiếp tục đánh giá vấn đề và điều trị. Những giải pháp điều trị bao gồm trị liệu qua trò chuyện, trị liệu trong gia đình, trị liệu theo nhóm và thuốc – tùy thuộc vào dạng trầm cảm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.