Khi bắt đầu đi du học, lo lắng lớn nhất của hầu hết các học sinh và phụ huynh là làm sao để bắt nhịp thật nhanh với chương trình học mới. Dù có chuẩn bị kỹ đến đâu thì các học sinh vẫn thường gặp phải các vấn đề như: có lỗ hổng trong kiến thức, gặp khó khăn trong lúc nghe giảng…, kết quả xấu nhất là học sinh sẽ mất đà và chán nản với việc học của mình. Vậy làm sao để có thể lấy lại đà và bắt nhịp với chương trình học cũng như cách học hoàn toàn khác biệt so với khi ở Việt Nam? Sau đây là một số bí quyết mà các du học sinh đã áp dụng thành công để vượt qua giai đoạn ban đầu khó khăn cũng như để có kết quả học tập tốt trong suốt quá trình du học.Bước 1: Xác định rõ mục tiêu của mình là “học”
Học sinh, sinh viên đều còn trẻ và có nhiều “việc” phải làm. Nếu như không quan tâm nhiều đến việc học thì sẽ không có một biện pháp nào có thể giúp các bạn thoát khỏi tình trạng “thầy nói không hiểu, bạn hỏi không hay”. Học là một việc nghiêm túc cần nhận được sựưu tiên hàng đầu, nhất là trong trường hợp bạn đã phải đi cả một chặng đường xa và sống không có gia đình chỉ để tiếp thu kiến thức từ một nền giáo dục tiên tiến hơn. Nếu bạn đã cố gắng dành nhiều thời gian cho việc học nhưng vẫn thấy chưa hiệu quả, hoặc vẫn chưa giải quyết được khối lượng bài vở “khổng lồ” và tin rằng mình có thể làm tốt hơn, hãy thử đọc qua những “bí quyết” dưới đây:
Bài học khó nhớ và phức tạp – biến kiến thức thành của mình
Trong những giờ học, đặc biệt là các giờ học lý thuyết, chắc chắn không ít lần bạn phải chạm trán với các định nghĩa, vấn đề cực kỳ nhức óc và rắc rối, sử dụng những từ ngữ vô cùng “bác học”. Vấn đề càng phức tạp, nhiều bạn lại càng cố gắng học thuộc vì sợ làm “rơi rớt” mất những tính chất quan trọng của nó. Bí quyết là, hãy tổng hợp lại vấn đề theo những từ ngữ của bạn, theo cách lý giải mà bạn cảm thấy có thể hiểu được. Khi viết sách, nhất là các sách giáo khoa, tác giả luôn phải sử dụng những cách diễn đạt và từ ngữ “bác học” nhất có thể, đó là điều hoàn toàn bình thường. Hãy biến thành kiến thức của bạn bằng cách đơn giản hóa nó phần nào. “Dù gì, cố gắng học thuộc cái phức tạp để rồi cuối cùng quên hết cũng không phải là một cách hay”, chia sẻ của Lương Phương Lan – cựu sinh viên Đại học Newcastle (Anh).
Hãy viết ra giấy những gì đã học
Tiếp theo bí quyết ở trên, để ghi nhớ một vấn đề gì đó lâu hơn, đừng chỉ đọc mà hãy viết ra. Khoa học đã chứng minh khi bạn viết một vấn đề gì đó ra, nó sẽ in sâu trong não của bạn hơn là khi bạn chỉ đọc. Lần sau khi học thi, hãy mang theo một cuốn sổ tay hay ít ra là một chồng giấy nháp. Học đến đâu ghi đến đấy, bạn sẽ thấy hiệu quả ngay.
Học theo nhóm
Theo Tăng Nhất Thái – cựu du học sinh Trường Đại học Westminster: “Sẽ có những lúc học một mình sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt là khi cần tìm hiểu chuyên sâu một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, có những lúc học theo nhóm sẽ mang đến những hiệu quả không ngờ”. Hãy kết bạn với vài người bạn trong lớp và cùng nhau đến thư viện. Khi học nhóm thì thời gian “bí” vì một vấn đề nào đó có thể sẽ được rút ngắn lại nhiều, chưa kể nhiều người thì chia việc ra để tra cứu cũng sẽ nhanh hơn. Đó cũng là khởi nguồn của từ “brainstorm” được dùng cho hình thức làm việc nhóm. Mỗi người góp một chút gió thì sẽ ra bão thôi. Chưa kể, ngoài những hiệu quả về mặt học tập, làm việc nhóm cũng giúp bạn thư giãn hơn khi phần nào đó cũng được gọi là “tụ tập”. Một vài phút cười đùa giữa giờ cùng nhau cũng chẳng hại gì, mà còn giải quyết sự căng thẳng khá hiệu quả.
Tự làm kiểm tra
Tự kiểm tra ư, nghe có vẻ đáng sợ! Kiểm tra chính thức chưa đủ hay sao mà còn phải tự làm bài kiểm tra? Thật ra, đây là một trong các cách hiệu quả nhất để học. Dưới áp lực, não bộ của bạn sẽ hoạt động tốt hơn, nhất là dưới áp lực phải tổng hợp kiến thức cũng như cố nhớ lại những điểm quan trọng. Hãy làm kiểm tra thường xuyên, đến khi “chạm trán” bài kiểm tra thật, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Quản lý thời gian học
Đây chắc chắn là vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng một chút nhắc nhở chẳng bao giờ là thừa. Ai trong chúng ta cũng chỉ có 24 giờ một ngày nhưng lại có những người có thể làm được nhiều việc hơn hẳn. Nếu bạn là người quên trước quên sau hay chưa được tự giác, hãy cố gắng dành thời gian lên lịch những việc quan trọng cần làm trong ngày, trong tuần và cố gắng thực hiện nghiêm túc nhất có thể. Việc thực hiện thời gian biểu này cũng giúp bạn bảo đảm phân chia hợp lý giữa học – chơi – nghỉ ngơi. Những trường hợp “nước đến chân mới nhảy” thường rất căng thẳng, nhiều bạn còn bỏ cả ăn, ngủ. Đây là điều hoàn toàn không nên vì não bộ cũng cần phải thư giãn thì mới hoạt động tốt được. Đây cũng chính là bí quyết giúp Lương Phương Lan vượt qua chương trình thạc sĩ Truyền thông dễ dàng hơn.
Đừng bỏ giờ lên lớp
Nhiều bạn cảm thấy giờ lên lớp không mấy ích lợi vì hoàn toàn có thể tải “slide” về để tự đọc, nhất là ở những lớp có sĩ số đông. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. “Hãy cố gắng đến lớp đầy đủ” – bạn Tăng Nhất Thái nhấn mạnh. Có những điều thầy cô giảng thêm ở trên lớp mới thật sự quan trọng. Chưa kể lên lớp còn là dịp giúp bạn gặp thầy cô để trao đổi thêm về những thắc mắc của mình. Nếu không hiểu điều gì thì cứ thẳng thắn trao đổi trực tiếp với thầy cô vì sau này chính thầy cô sẽ chấm điểm quá trình cố gắng của mình qua những lần trao đổi như thế.
Nhưng các bạn cũng đừng cho rằng chỉ học và học thôi nhé. Hãy dành một phần thời gian để đi chơi, tham gia các hoạt động thể thao, sinh hoạt… để mở rộng mối quan hệ bạn bè, phát triển kỹ năng giao tiếp. Đừng quên là kỹ năng sống và các kỹ năng mềm đóng một phần rất quan trọng trong thành công sau này của các bạn.
Nhật Hà