Xin nói rõ bánh mì ở đây là bánh làm bằng bột mì có kẹp nhân, chẳng hạn bánh mì thịt ở Việt Nam hay bánh mì chay vada pav nhân khoai tây ở Ấn Độ, thậm chí là bánh mì nhân kem lạnh mà trẻ nhỏ ở nhiều nơi rất ưa thích. Có thể nói bánh mì có kẹp nhân là một trong những món ăn thông dụng ở mức độ toàn cầu.
Helen Graves, cây bút chuyên viết blog ẩm thực vừa xuất bản một cuốn sách có tên 101 loại bánh mì sandwich (101 Sandwiches – NXB Dog n Bone, London, 2003), giới thiệu và hướng dẫn cách làm 101 loại bánh mì có kẹp nhân trứ danh khắp thế giới, trong đó không thể thiếu bánh mì thịt Việt Nam (được viết với nguyên ngữ “banh mi” giống như “pho” cho món phở đã quốc tế hóa). Để có được con số 101, Helen đã phải trải nghiệm nhiều tháng trời nếm thử không thiếu loại bánh mì nào, từ mặn tới chay, từ khó ăn nhất tới khoái khẩu nhất. Có những thứ bánh mì mà sau khi ăn, đêm ngủ cô gặp… ác mộng như loại bánh hamburger to đùng, nhồi đầy những thịt, rau… các loại và be bét xốt cà chua, hay loại bánh mì tikka mayo nhân thịt gà xay rưới xốt mayonnaise của thương hiệu Subway nổi tiếng cũng khiến cô kinh hãi!
Sách 101 loại bánh mì sandwich của Helen Graves
Thời của bánh mì
Được Helen Graves xếp đầu bảng các loại bánh mì ngon nhất chính là bánh mì thịt Việt Nam hay bánh mì Sài Gòn – món ăn mà cô trang trọng gọi là “trứ danh nhất” (most notable) trong “dòng họ” bánh mì toàn thế giới. Cũng được Helen Graves đặc biệt ưu ái là món bánh mì muffuletta của người Ý nhập cư sống ở vùng New Orleans, bang Louisiana nhưng gần như phổ biến rộng khắp nước Mỹ – loại bánh mì mè kẹp thịt, phô-mai Ý và dầu ôliu.
Bánh mì muffuletta của người Mỹ gốc Ý
Bánh mì Francesinha ở Bồ Đào Nha
Trong số các loại bánh mì có nhân ở Anh, đầu bảng là shooter’s sandwich thường được kẹp nhân là thịt heo xông khói, nấm, phô-mai Thụy Sĩ, rau thơm… Còn loại bánh mì thông dụng của dân Bồ Đào Nha là Francesinha (có nghĩa là “bánh mì kiểu Pháp đơn giản”) có xuất xứ từ thành phố Porto, với nhân thịt heo hầm, xúc xích tươi chipolata bản địa, thịt nướng hoặc bít-tết, bên trên là một lớp phô-mai mềm, ăn kèm nước xốt nấu với bia và cà chua. Người ta còn ăn thêm khoai tây chiên chấm với nước xốt của món bánh mì nhồi đầy nhân này. Thuộc loại món ăn thông dụng ở nhiều nước Bắc Phi nhưng có xuất xứ từ Tunisia là món bánh mì fricassee với nhân làm bằng cá ngừ hoặc thịt gà hầm, thêm trái ôliu và không thể thiếu nước xốt bí đỏ.
Bánh mì nhân cá trích tươi ở Amsterdam
Bánh mì torta ở Mexico
Mexico cũng là xứ sở của bánh mì với cái tên bản xứ là torta. Sự phong phú, đa dạng của bánh mì Mexico khiến Helen Graves có ý định sẽ viết riêng một cuốn sách về các loại torta, món bánh mì không chỉ thông dụng ở Mexico mà còn được người dân các nước châu Mỹ Latinh ưa chuộng. Torta ở Mexico có thể kẹp thịt heo jambon (torta de jamón), thịt heo xông khói hoặc muối (torta de adobada), trứng gà (torta de huevo)… hay kẹp với trái bơ tươi (torta de aguacate), ngoài ra còn có loại torta ahogada hay torta “chết chìm” vì nó được phủ kín một lớp xốt ớt đỏ cay xé lưỡi. Ngoài các loại nhân kể trên, bánh mì torta được ăn kèm với hai loại ớt xanh poblano và jalapeño, cà chua, hành tím. Ở miền bắc Mexico, giáp ranh với nước Mỹ, món torta còn được gọi là lonche vốn là từ lunch (bữa trưa) trong tiếng Anh. Nước Mỹ với dân nhập cư Mexico đông đúc hẳn nhiên cũng rất phổ biến bánh mì torta. Ở Nhật, món bánh mì katsu sando đã ra đời từ thế kỷ XIX với nhân thịt heo phi-lê được tẩm bột chiên, mù tạt, nước tương và một lát chanh. Tại xứ Ấn Độ, phổ biến chẳng kém gì bánh mì dẹt chapatti là bánh mì chay vada pav có nguồn gốc từ bang Maharashtra với nhân bánh là một củ khoai tây!
Bánh mì chay vada pav ở xứ Ấn
Sự thịnh vượng của bánh mì Việt
Bánh mì thịt kiểu Việt Nam đã hết sức thông dụng tại Mỹ từ nhiều năm qua, được nêu bật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí lấn át cả món phở Việt ở Mỹ. Cây bút Kathy Hunt viết trên báo mạng vềẩm thực Zesterdaily bài có tựa “Bread Bonanza” (Sự thịnh vượng của bánh mì) và theo cô thì “món bánh sandwich đặc trưng Việt hay món ăn đại diện cho Sài Gòn này” có thể được thể hiện bằng nhiều cách qua nhân bánh: hoặc với xíu mại, hoặc với thịt heo xá xíu, jambon hay với cá mòi…, và “nếu bạn sống trong hay sống gần một thành phố lớn hoặc một cộng đồng người Việt ở Mỹ, bạn hẳn sẽ chứng kiến cơn cuồng si (craze) bánh mì đang diễn ra”. Vào tháng 3-2011, như Kathy Hunt cho biết, các đầu bếp của New York đã tham gia một cuộc bình chọn điểm bánh bánh mì nào ở New York được ưa thích nhất, còn trước đó các độc giả của báo New York Times tham gia cuộc thi bình chọn bánh mì Việt ngon nhất. Điều đó cho thấy bánh mì Việt được ngưỡng mộ như thế nào tại thành phố đông đúc bậc nhất của nước Mỹ. Cũng theo Kathy Hunt, với giá khoảng 2,5 USD một ổ, bánh mì thịt Sài Gòn là món ăn nhanh không chỉ rẻ mà còn đầy bổ dưỡng.
Tiệm bánh mì Việt Baoguette nổi tiếng ở New York
Cũng trong một bài viết trên tờ New York Times cách đây hai năm, tác giả Jordan Michelman đã liệt kê ở bang nào, thành phố nào của nước Mỹ có các địa chỉ bán loại “Vietnamese sandwich” chất lượng nhất, ví dụ chỉ riêng ở Seattle đã có đến hàng chục điểm bán bánh mì mà Jordan Michelman cho là “hảo hạng”. Ông cũng cho biết các thương hiệu bánh mì Việt ở Atlanta, Los Angeles, Portland… hay ở khu Falls Church (bang Virginia) đông người Việt sinh sống.
Trở lại với cuốn sách của Helen Graves, tác giả không chỉ ca ngợi các loại bánh mì khắp năm châu mà còn cho rằng đó là món ăn người ta có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi: bữa điểm tâm, bữa trưa và cả bữa tối khi cần kíp. Điều đó được Jordan Michelman minh chứng khi cho biết nhiều cư dân New York đã “gặm” bánh mì Việt vào bữa trưa khi ngồi sau tay lái trên đường dài…
Thu Thảo