Địa hình nhiều sông rạch ở miền Tây Nam bộ là điều kiện lý tưởng để loài cá chạch sinh sôi. Có hai loại: cá chạch đất và cá chạch lấu; chạch đất con nhỏ cỡ ngón chân cái, toàn thân màu xám đen, đuôi có đốm hoa, còn chạch lấu lớn hơn, toàn thân có nhiều đốm sáng đỏ nên nhiều người còn gọi là chạch lửa.
Cá chạch được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đơn giản nhất là cá chạch chiên giòn: cá làm sạch nhớt, không cần cắt gai, cũng chẳng phải mổ bụng, bởi cá chạch chỉ ăn rong rêu nên ruột sạch, không hôi. Bắc chảo mỡ (dầu) thiệt nóng rồi thả cá vào chiên cho tới khi chín vàng ươm, giòn rụm. Xếp cá ra dĩa, ăn kèm với chuối chát, dưa leo, khế, khóm, rau húng…, chấm nước mắm me dầm ớt. Cá chạch chiên giòn sao mà ngon ngọt, gặp mùa bụng cá đầy trứng món ăn càng đậm hồn quê khi thưởng thức cùng vài chung rượu gạo cay nồng. Cá chạch đất còn được phơi khô, khi ăn nướng trên lửa than và cũng chấm với nước mắm me, ăn kèm rau rừng.
Còn món ăn thông dụng với cá chạch lấu là nấu canh chua cơm mẻ. Nấu nồi nước sôi rồi cho cơm mẻ vào, lược bỏ xác, nêm muối, đường, gia vị cho vừa ăn. Lại nấu nước cho sôi và thả cá chạch lấu đã làm sạch vào. Rau bổi nấu canh chua chạch lấu không thể thiếu chuối cây xắt ghém, có thể thêm ít cọng bông súng, rau mùi… Chén muối cục, vài trái ớt hiểm dầm nát, thêm chút bột ngọt rồi pha với chính nước canh chua làm nước chấm cá. Bữa cơm có tô canh chua cá chạch lấu nấu cơm mẻ hòa quyện đủ vị chua, ngọt, cay, béo… vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng.
Minh Thương (DNSGCT)