Cải cách hành chính là mục tiêu quan trọng của Chính phủ nhằm tăng tính hiệu quả trong quan hệ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, nhiều năm qua vẫn còn nhiều lời than phiền. Thế nhưng năm nay, tình hình đã có hướng tích cực, qua hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của các bộ và địa phương năm 2018, được tổ chức chiều 24-5 vừa qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu PAR INDEX 2018 (91%), trong số 18 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá. Các bộ tiếp sau là Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại giao. Bộ Giao thông Vận tải có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất, đứng cuối bảng tổng sắp, tiếp sau là Bộ Y tế, Thông tin Truyền thông, Xây dựng…
Có 14 bộ đạt kết quả cải cách hành chính hơn 80%; bốn bộ dưới 80%. PAR INDEX 2018 được tổng hợp từ hai phương pháp là cán bộ trong đơn vị tự đánh giá và điều tra xã hội học. Trong số 50.000 phiếu khảo sát được phát ra, có 17.000 phiếu của cán bộ, công chức và 33.000 người dân. Ban chỉ đạo đánh giá, PAR INDEX 2018 tăng 6% so với 2017. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực còn hạn chế như cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin.
Ở các địa phương, dẫn đầu bảng cải cách hành chính là Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hải Phòng. Các tỉnh xếp cuối bảng là Phú Yên, Kon Tum, Trà Vinh. Đồng bằng sông Hồng đứng đầu các vùng kinh tế, sau đó là Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung. Ban chỉ đạo cũng công bố kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Theo điều tra, 83% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong cả nước. Sơn La là tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất (98%), ba tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính thấp nhất là Hà Giang, Cao Bằng, Bình Định. Tuy nhiên, một nửa số địa phương có chỉ số hài lòng dưới 80%, thấp hơn mục tiêu tối thiểu đặt ra năm 2020.
Chỉ số không hài lòng của người dân về phục vụ hành chính tăng hơn năm trước, 20% số người được hỏi trong cả nước phải đi lại nhiều lần làm thủ tục, 5% bị trễ hẹn, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng công chức phiền hà, sách nhiễu, gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài quy định diễn ra ở hầu hết địa phương.
Phát biểu tại hội nghị này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, đối với bộ, ngành, địa phương tuy được xếp hạng cao, nhưng thực tế triển khai các nhiệm vụ chính trị của mình nhưng vẫn còn khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết, dư luận phản ánh còn nhiều sai phạm… thì chưa thể đánh giá là hoàn thành tốt được.
- Xem thêm: Hiệu quả quản trị hành chính chưa cao
Việc cắt giảm thủ tục hành chính là nhằm bảo đảm không gây phiền hà, trở ngại cho người dân, giảm chi phí, nhanh gọn nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm thủ tục hơn nữa, tinh gọn bộ máy hơn nữa, nhất là các thủ tục vận hành hoạt động của bộ máy.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành có hiệu quả cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; thực hiện hiệu quả việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, nội bộ của từng bộ, ngành, địa phương.
Trong khi Bộ Giao thông Vận tải là ngành đứng cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính thì một dự báo được người đứng đầu bộ này là ông Nguyễn Văn Thể gửi đến Quốc hội cho biết tháng 4-2020 có thể khởi công các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía đông. Thế nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra nếu quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải xử lý và có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan theo hình thức PPP.
Theo nghị quyết của Quốc hội, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đầu tư 654km với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (trong đó gồm 55.000 tỉ đồng vốn Nhà nước; 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách). Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Theo báo cáo, kể từ thời điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (tháng 11-2017) sau 11 tháng Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần. Đối chiếu với trình tự, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật đối với dự án quan trọng quốc gia và thời gian thực hiện một số dự án tương tự thì thời gian tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được rút ngắn khoảng 3-5 tháng.
Về thiết kế kỹ thuật, dự toán, Bộ trưởng Thể cho biết, đối với ba dự án đầu tư công, sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5 và tháng 6-2019. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành phê duyệt tháng 11-2019. Đối với tám dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9-2019 sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán toàn bộ.
Về giải phóng mặt bằng, tiến độ nêu tại báo cáo là đến nay, hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn bộ 11 dự án thành phần đã hoàn thành, chủ đầu tư đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường được khoảng 93% và bàn giao được khoảng 88% cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Dự kiến, trong tháng 5-2019 sẽ cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng Thể cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư (bên mời thầu), đến hết ngày 16-5-2019 đã bán được 81 bộ hồ sơ mời sơ tuyển, gồm 24 nhà đầu tư trong nước và 10 nhà đầu tư quốc tế (Trung Quốc có sáu nhà đầu tư, Nhật Bản – hai nhà đầu tư, Hàn Quốc – một nhà đầu tư, Pháp – một nhà đầu tư). Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ tám dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9-2019.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa năm nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào vòng đấu thầu. Dự kiến của bộ là sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ tám dự án thành phần khoảng đầu tháng 10-2019. Đăng tải thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 10-2019. Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thời điểm đóng thầu khoảng tháng 1-2020. Bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ mời thầu trong vòng 30 ngày.
Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3-2019. Đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng tháng 4-2020. Như vậy, trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lý và có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4-2020.