Càng gần đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng càng phải chạy đua với thời gian để giảm tỷ lệ nợ xấu. Những con số giảm dần và với việc thành công giảm nợ xấu xuống còn 3% trước thời hạn, ngành ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra. Từ con số rất cao là 17% vào tháng 9-2012, sau ba năm tiến hành tái cấu trúc ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đã “về đích” như dự kiến, dù từng được cho là một thách thức khó vượt qua.
Có nhiều ý kiến cho rằng thành công của các tổ chức tín dụng trong việc kéo tỷ lệ nợ xấu 3% này có phần đóng góp không nhỏ của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC, phần lớn nợ xấu được giải quyết là do bản thân các ngân hàng tự xử lý nợ tích cực thông qua trích lập dự phòng rủi ro, chỉ với các khoản nợ xấu mà khoản dự phòng rủi ro của các ngân hàng không đáp ứng được thì họ mới chuyển qua cho VAMC. Nhờ vậy mà tỷ lệ nợ xấu giảm xuống một cách nhanh chóng, chứ không phải do các ngân hàng ồ ạt bán nợ cho VAMC, mà trên thực tế đơn vị này cũng không đủ lực mua và cả năng lực để xử lý hết số nợ xấu đã mua. Đến nay, VAMC mới xử lý được khoảng 7% trong tổng số 211 ngàn tỉ đồng (tương đương 9,4 tỉ USD) nợ xấu mà cơ quan này đã mua từ các tổ chức tín dụng kể từ khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2013. Con số 211 ngàn tỉ đồng cũng đã vượt mức mục tiêu 200 ngàn tỉ đồng đặt ra, nên VAMC đang phải xây dựng phương án đề nghị phát hành trái phiếu bổ sung cho các tổ chức có nhu cầu bán nợ vượt kế hoạch được giao.
Như vậy, với cơ chế như hiện nay, tốc độ xử lý nợ xấu đã mua của VAMC là không theo kịp với tiến độ mua nợ xấu. Do không có thị trường nợ và một khung pháp lý đầy đủ để bán nợ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, VAMC hiện mới chỉ có thể bán các tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu này. Thế nên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nếu không có những thay đổi lớn về cơ chế, VAMC khó thể xử lý dứt điểm khoản nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng. Tình hình có thể có những chuyển biến tích cực vào cuối năm nay, khi VAMC ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính để xây dựng một thị trường mua bán nợ và cùng đề xuất những chính sách, cơ chế cần thiết nhằm giải quyết những vướng mắc về pháp lý hiện đang cản trở việc bán hàng tỉ USD nợ xấu tại các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cho các nhà đầu tư.
Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp VAMC xử lý các khoản nợ đã mua và tiến tới mua bán nợ theo giá thị trường vào năm 2016. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi ban đầu. Bước tiếp theo cần tiến hành là sự ra đời của Hiệp hội mua bán nợ sau khi đã có thị trường mua bán nợ và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, vấn đề chỉ có thể thực hiện khi được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Trước mắt, theo đại diện VAMC, cơ quan này rất cần một cơ chế riêng, đặc biệt để vượt qua những vướng mắc hiện có trong các bộ luật khác như luật đầu tư, luật đất đai cũng như các luật khác có liên quan để có thể bán được nợ. Để làm được điều này, Chính phủ cần sớm có các quy định cụ thể về loại hình kinh doanh mua bán nợ, tạo hành lang pháp lý cho VAMC hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Khi ấy, vấn đề xử lý nợ xấu mới thực sự có bước chuyển mình.
Ngọc Khang (DNSGCT)