Phía Pakistan trở nên rất quan tâm đến tiến trình hòa bình mới được lập lại tại Afghanistan và chia sẻ với chính quyền Kabul về hướng đi tới mục đích cải cách chính trị đối với Taliban. Một khi không còn sự hiện diện của quân đội quốc tế tại Afghanistan kể từ cuối năm 2014, không chỉ Kabul mà cả Washington đều cân nhắc đến vị thế quan trọng của Islamabad trong tiến trình gìn giữ hòa bình tại khu vực Trung Á. Có thêm sự hỗ trợ của Pakistan thì ý đồ chuyển Taliban từ một thể chế quân sự sang một thể chế chính trị, sau đó cùng tham gia vào việc xây dựng nhà nước mới của Afghanistan mới có hy vọng hiện thực hóa.
Quân đội Ý đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan
Tuy nhiên một số quan chức thuộc nội các của ông Karzai tỏ ra nghi ngờ về sự hợp tác Afghanistan – Pakistan. Lý do là lâu nay Pakistan thường bị cáo buộc đứng phía sau những cuộc bạo loạn tại Afghanistan, nay bỗng tỏ ra rất có thiện chí hợp tác. Suốt nhiều năm qua, chủ nghĩa bè phái cùng sự hoài nghi lẫn nhau giữa Afghanistan và nước láng giềng được trang bị hạt nhân đã cản trở hai nước này cùng tiến hành các nỗ lực quân sự tại một trong những khu vực nóng nhất thế giới. Hơn thế, từ lâu, Pakistan đã tỏ ra rất kiên định trong việc ngăn cản ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Afghanistan, đồng thời ngấm ngầm ủng hộ Taliban với kỳ vọng tổ chức Hồi giáo ấy sẽ loại bỏ các phần tử ủng hộ Ấn Độ ra khỏi bộ máy chính quyền Afghanistan.
Nếu việc liên kết giữa Afghanistan và Pakistan không thành công thì những người ủng hộ Taliban càng tìm cách tái áp đặt một nhà nước Hồi giáo cực đoạn tại Afghanistan tương tự như thể chế đã tồn tại trước năm 2001, đe dọa đến tình hình ổn định dài lâu của nước này. Phóng viên của Reuters đã dẫn lời quan chức Afghanistan trong cuộc đối thoại mới đây giữa các thành viên cấp cao Taliban và chính quyền của ông Karzai tại Pháp, trong đó có đánh giá sự gặp gỡ trực tiếp như vậy là “một bước tiến vô cùng hữu ích để xây dựng một nền tảng to lớn hơn vì hòa bình”. Nếu tình hình diễn biến êm đẹp, Afghanistan sẽ khởi động các cuộc đối thoại chính thức với Taliban trong năm 2013. May mắn hơn nữa nếu Afghanistan và Pakistan bắt tay nhau chặt chẽ thì có hy vọng tạo ra được những tiến triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay tại khu vực Trung Á.
Lâm Kiên theo Reuters