Cùng lúc đó, có nghi vấn Marin Cilic cũng bị xét nghiệm dương tính tại giải Munich hồi cuối tháng 4.
Viktor Troicki bước vào cuộc chiến chống lại án phạt 18 tháng treo vợt
Gần như bị sốc nặng khi nghe Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) tuần rồi ra án phạt 18 tháng treo vợt vì vi phạm quy định kiểm tra doping tại giải Masters 1000 Monte-Carlo, Troicki cho biết sẽ kháng án. Mức phạt sẽ khiến tay vợt 27 tuổi đang xếp hạng 53 thế giới bị mất tất cả kết quả thi đấu chính thức từ giải này và chỉ đến 24-1-2015 anh mới được phép ra sân trở lại. “Tôi bị hủy hoại… Án phạt nặng nề này khiến tôi không nói thành lời”, Troicki viết trong thông cáo được ông bầu của anh đăng tải trên trang web của anh. “Tôi đặt niềm tin vào Tòa trọng tài thể thao Lausanne. Tôi thật sự hy vọng họ sẽ tìm ra sự thật vì chỉ có một sự thật mà thôi”.
Ngày 15-4-2013 tại Monte-Carlo, tay vợt từng xếp hạng 12 thế giới kể rằng anh không được khỏe. “Tôi đã cung cấp các mẫu nước tiểu cho bác sĩ và giải thích với bà ấy rằng lấy máu sẽ làm tôi cảm thấy khó chịu hơn. Tôi rất sợ kim tiêm và chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi lấy máu. Tôi sợ phải vào bệnh viện nằm. Bác sĩ bảo rằng tôi có vẻ xanh xao và không khỏe, rồi giải thích cách thức tránh lấy máu. Bà ấy rất thông cảm và để tôi ra về. Sáng hôm sau, tôi thực hiện kiểm tra máu với nhân viên kiểm tra. Mọi kết quả thử nghiệm (nước tiểu và máu) đều âm tính”.
Trong thông cáo báo chí, Troicki còn cho biết bác sĩ bảo rằng anh có thể không cung cấp mẫu máu nếu viết thư giải thích. “Tôi nghĩ rằng mọi việc đều ổn. Giờ tôi bị tố cáo đã từ chối cung cấp mẫu thử mà không có lý do. Đúng là cơn ác mộng”, anh viết. “Tôi không giận bác sĩ vì nghĩ bà ấy bị cấp trên nói rằng đã phạm sai lầm rất lớn và nay tìm cách cứu vãn danh dự (…). Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi muốn tiếp tục thi đấu. Tôi không đáng bị như thế”.
Giải thích của Troicki về việc từ chối cung cấp mẫu thử máu không được tòa án của ITF chấp thuận, dù anh bị kiểm tra sau trận thua Jarkko Nieminen ở vòng một chứ không phải là bị gây khó khăn trước trận đấu. Hơn nữa, tòa tin vào những bằng chứng do bác sĩ Elena Gorodilova, người đã có 15 năm kinh nghiệm trong hoạt động chống doping, cung cấp. Việc tòa ra án phạt 18 tháng, thay vì hai năm như thông lệ đối với trường hợp vi phạm đầu tiên, là vì xét thấy Troicki không được khỏe lúc kiểm tra và nỗi sợ kim tiêm từ nhỏ.
Như vậy, cuộc chiến dài lâu của Troicki chỉ mới bắt đầu, trong lúc lại xuất hiện một trường hợp khác: Marin Cilic. Theo tờSlobodna Dalmacija của Croatia viện dẫn những “nguồn đáng tin”, Cilic bị kiểm tra doping dương tính tại giải Munich hai tuần sau một xét nghiệm khác cũng tại Monte-Carlo. Tờ báo còn khẳng định rằng Cilic, 24 tuổi, hiện xếp hạng 15 thế giới, sẽ được ITF thẩm vấn trong tuần này. “Không có lời bình luận nào cho đến khi chúng tôi có thể bình luận”, huấn luyện viên Vincent Stavaux của Cilic phản ứng và được nhật báo Jutarnji List trích đăng. Theo tờ này, xét nghiệm mẫu thử của Cilic cho thấy “có sử dụng bất cẩn glucose có chứa chất cấm” và có lẽ anh đã hay tin này tại Wimbledon nên tuyên bố bỏ cuộc trước trận gặp Kenny de Schepper ở vòng hai.
Cả hai trường hợp trên cho thấy quần vợt chưa thoát khỏi bóng ma doping. Ngoại trừ Petr Korda, vô địch Australian Open 1998 và từng là số 2 thế giới bị kiểm tra dương tính với chất nandrolone năm 1998, phải đến năm 2005 mới có một tay vợt hàng đầu dính doping. Đó là tay vợt người Argentina Mariano Puerta, á quân Roland Garros cùng năm bị xét nghiệm dương tính với chất clenbuterol hai năm trước và lãnh án treo vợt tám năm (giảm xuống còn hai năm sau khi kháng án tại Tòa trọng tài thể thao). Cùng năm đó, đồng hương của anh Guillermo Canas bị treo vợt hai năm vì sử dụng chất lợi tiểu.
Vụ Troicki và Cilic xảy ra trong lúc chủ tịch ITF, ông Francesco Ricci Bitti, vừa tuyên bố hồi tháng 5 rằng “quần vợt là môn thể thao mà doping không có tác dụng trực tiếp đến thành tích”. Khi được các nghị sĩ Pháp chất vấn về tính hiệu quả của cuộc chiến chống doping, ông Stuart Miller, người phụ trách hoạt động này ở ITF, thừa nhận “thật khó vừa quảng bá cho quần vợt vừa làm người kiểm tra”. Năm 2012, ITF tiến hành 1.727 xét nghiệm nước tiểu và 124 xét nghiệm máu tại giải đấu, so với 271 xét nghiệm nước tiểu và 63 xét nghiệm máu ngoài thi đấu. Số vụ xét nghiệm này là chưa đủ, theo ý kiến của Roger Federer. Tại Australian Open 2013, chính nhà vô địch Novak Djokovic cũng cho biết là không được xét nghiệm máu từ sáu tháng qua. “Hai ba năm trước, việc xét nghiệm đều hơn, tôi không hiểu tại sao lại dừng”, anh thắc mắc. “Tôi không chống việc thử máu, dù tôi thích thử nước tiểu hơn và rất ghét kim tiêm”, Djokovic nói.
Minh Trường