Vẫn biết tham gia vào thị trường chứng khoán là phải chấp nhận làm bạn đồng hành với hai chữ “rủi ro”, nhưng hẳn nhà đầu tư cũng không tránh khỏi rưng rưng và… thót tim mỗi khi đón nhận tin xấu, tin “khai tử”, từ công ty chứng khoán hay từ doanh nghiệp niêm yết. Dường như sau nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi do sự tù mù, chậm trễ trong công bố thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãi suất hạ, GDP tăng, nhưng những thông tin tích cực này trở nên “mơ hồ” trước những gì mà các doanh nghiệp niêm yết đang bày ra trước mắt nhà đầu tư. Những thông tin tốt đến từ doanh nghiệp hầu hết đã được công bố từ tháng 7 và cũng đã giúp thị trường khởi sắc. Cuối tháng 7 và bước sang tháng 8, không nằm ngoài dự đoán, thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh đã ngả sang “màu xám” với các mảng màu: lỗ triền miên, doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu… Không chỉ có thế, nhà đầu tư còn không ít lần phải ngã ngửa vì bất ngờ bởi nghịch đảo của các con số hay những quyết định mang tính chất sống còn đối với vòng đời của doanh nghiệp. Đơn cử, trong quý I-2012, nhà đầu tư vẫn tưởng SBS lãi lớn vì tự doanh nhưng không ngờ công ty chứng khoán này lại lỗ lớn. Khi thị trường tăng, SBS bán hàng tự doanh, lãi lớn từ giá, nhưng khi trả nợ thì lãi vay ngân hàng quá lớn, đẩy doanh nghiệp này vào chỗ lỗ lớn, thậm chí đến bờ vực phá sản.
Thật khó cho nhà đầu tư khi thông tin đến từ doanh nghiệp luôn chậm còn diễn biến thể hiện trên bảng điện tử không ít lần đã đưa đến kết cục trái chiều. Chỉ ít ngày trước khi công bố kết quả kinh doanh quý II, cổ phiếu PSG đã có bốn phiên tăng trần liên tục từ 17 đến 20-7. Kết quả kinh doanh ra sao? Doanh nghiệp này kinh doanh lỗ triền miên, âm hơn 32 tỉ đồng trong quý II-2012 và sáu tháng đầu năm lỗ ròng 64 tỉ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 19-7, PVX trở thành hiện tượng khi khớp lệnh tới hơn 11,5 triệu đơn vị, giá tăng kịch trần lên 9.800 đồng/cổ phiếu. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau đó, kết quả kinh doanh quý II của công ty mẹ được công bố với mức lỗ lên đến gần 300 tỉ đồng.