Lo lắng không chỉ khiến bạn khổ sở mà còn có tác động rất xấu đến sức khỏe, thế nhưng có đến 40% trong chúng ta lo lắng mỗi ngày và phụ nữ thường hay lo lắng gấp đôi nam giới. Lo lắng thái quá, căng thẳng khiến bạn tiêu hao năng lượng, giảm năng suất làm việc. Thường xuyên lo lắng sẽ kích thích việc sản sinh ra cortisol, một nội tiết tố quan trọng tiết ra từ tuyến thượng thận là tác nhân dẫn đến tăng cân, trầm cảm và bệnh tim mạch – những điều tiếp tục khiến bạn lo lắng hơn. Khi căng thẳng triền miên, người ta có thể tìm đến những thói quen không tốt nhằm “làm dịu chính mình” như hút thuốc, uống rượu, ăn uống quá độ. Những thói quen này càng khiến cho sức khỏe của bạn giảm sút.
Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn này, tiến sĩ Robert L. Leahy, Giám đốc Viện Trị liệu nhận thức Hoa Kỳ, tác giả cuốn Cách chữa lo lắng: Bảy bước để ngăn chặn việc lo lắng khuyên: “Giảm lo lắng là cách để bạn có cuộc sống lành mạnh hơn. Bớt lo lắng, bạn sẽ giảm được sự căng thẳng của cơ thể, đau nhức, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ tiêu hóa”. Ông cũng đưa ra bốn cách giúp những người hay lo lắng giảm thiểu được điều này:
Lo lắng có chọn lọc
Chẳng người nào không bao giờ lo lắng cả. Rõ ràng là luôn có một số lo lắng “có hiệu quả”. Robert L. Leahy đưa ra ví dụ: “Nếu bạn muốn lái xe từ New York đến Boston, thì lo lắng có hiệu quả sẽ bao gồm việc bạn tự hỏi những câu như “Mình đã đặt xe chưa?”, “Mình đã có bản đồ chưa?”, “Mình đã đặt khách sạn chưa?”… Gọi là lo lắng có hiệu quả bởi vì chúng dẫn đến những hành động mà bạn có thể thực hiện trong hôm nay. Những hành động đó giúp cuộc sống của chúng ta trôi chảy, thuận lợi hơn”. Còn lo lắng không hiệu quả bao gồm những việc bạn không có khả năng thay đổi, kiểu như “Nếu lỡ như xe bị hư giữa đường?”, “Lỡ như khách sạn bị đặt trùng?”… Học cách phân biệt giữa hai dạng lo lắng có thể giúp bạn giảm bớt rất nhiều lo lắng vô ích. Một cách để làm việc này là tự hỏi xem lo lắng có hiệu quả hay không. Khi chúng có hiệu quả, hãy thêm vào danh sách việc phải làm và hành động ngay. Việc hành động ngay sẽ làm cho cơ thể và tinh thần thư giãn hơn, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thoát khỏi những lo lắng không hiệu quả.
Xuôi theo dòng chảy tự nhiên
Một điểm dễ nhận thấy của những người hay lo lắng là họ thường khó tiếp nhận một sự không chắc chắn. Họ lo lắng để tìm kiếm câu trả lời cho tương lai, chẳng hạn “đứa con mười tuổi của tôi sẽ có một công việc tốt trong tương lai không”, hay “chắc là tôi sẽ không được thăng chức rồi”… Tuy nhiên, theo Leahy, việc xuôi theo dòng chảy tự nhiên – những điều… không chắc chắn – có những ưu điểm riêng. Nó dành không gian cho sự ngẫu hứng, có tính thám hiểm và giúp bạn không mất sức cho những việc nhỏ nhặt.
Nắm bắt những điều mới
Những người lo lắng thường tránh những điều mới, chẳng hạn như nói trước công chúng, đi dự tiệc…, bởi chúng khiến họ cảm thấy không thoải mái. Bằng cách lo lắng (và lảng tránh thực hiện điều mới), họ có thể thoát khỏi những điều không thoải mái này. Tuy nhiên, đây không phải là cách hay. Một khi có thể làm những việc không thoải mái đối với mình, tự khắc bạn sẽ giảm được việc dựa vào lo lắng để đối phó. Leahy lý giải: “Một người lo lắng nghĩ rằng nỗi lo sẽ ngăn chặn những khả năng không hay xảy ra, trong khi một người kiên định nghĩ rằng nếu vấn đề xảy ra, tôi sẽ xử lý nó. Việc đó giống như là học một ngôn ngữ mới, khiêu vũ, cách chơi một nhạc cụ… Bạn hãy làm những việc ban đầu cảm thấy không thoải mái và rồi mọi chuyện sẽ tiến triển tốt đẹp.
Suy nghĩ tích cực một cách thực tế
Những người hay lo lắng thường vội vàng kết luận về việc chuyện xấu sẽ xảy ra, nhưng nghiên cứu cho thấy có đến 85% điều con người lo lắng lại có kết quả tích cực. Theo Leahy, chúng ta nên xem xét kỹ điều mình lo lắng, rồi tìm ra mặt tích cực của chúng. Ví dụ, nếu bạn lo rằng mình có thể mất việc thì thay vì nghĩ đến điều đó như một đại họa, hãy xem đó là điểm bắt đầu cho một cơ hội mới. Loại bỏ lo lắng và trở nên tích cực chính là một quá trình “tái cấu trúc sự thay đổi để bạn xem điều đó như là một cơ hội”.
Lan Chi theo Health Communities (DNSGCT)