Cùng thời với những thế hệ ca sĩ của các nhóm nhạc năm xưa như The Beatles, Rolling Stones…, Bob Dylan cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc thế giới cả về mặt biểu diễn và sáng tác. Người ca sĩ được mệnh danh là huyền thoại của dòng nhạc rock & roll này đang bước vào giai đoạn thất thập của cuộc đời, thế nhưng tuổi tác chưa bao giờ là trở ngại đối với ông. Ông vẫn luôn đi tìm sự mới mẻ trong âm nhạc để cố gắng mang đến những gì tinh túy nhất cho giới hâm mộ. Tất cả nỗ lực đó lần nữa lại được thể hiện trong Tempest – album mới nhất của ông.
Tempest là album thứ 35 trong sự nghiệp âm nhạc của Bob Dylan, được ghi âm trong một studio ở Los Angeles của Jackson Browne (thành viên cũ của nhóm nhạc The Eagles). Các ca từ trong album đề cập đến tín ngưỡng, đến những gì cao thượng và cả những điều thấp kém nhất trong tâm tư, đến tình yêu và khát vọng phục thù, đến sự bạo tàn và cõi chết… Còn về mặt âm nhạc, Tempest được xem là tập hợp của nhiều giai điệu phong phú, dễ nghe và còn là sự chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của các dòng nhạc rock, blues, folk và jazz.
Điều đặc biệt của album này nằm ở cái tên của nó. Nhiều người cho rằng Tempest nghe giống như tựa vở kịch cuối đời của William Shakespeare. Nhưng Dylan đã giải thích thông tin này trên tờ Rolling Stone: “Vở kịch của đại thi hào người Anh tựa đầy đủ là The Tempest, còn album của tôi chỉ đơn giản mang tên Tempest. Hai điều ấy hoàn toàn khác biệt!”. Ngoài ra, Tempest cũng là tên của một ca khúc có độ dài 14 phút với nền nhạc mang âm hưởng truyền thống của Ireland, có lẽ ông muốn một lần nữa nhớ đến thảm họa chìm tàu Titanic năm xưa. Ca khúc cuối của album là Roll on, John cũng được ông sáng tác để tưởng nhớ đến đồng nghiệp của mình – John Lennon, linh hồn của The Beatles, người đã bị ám sát năm 1980.
Nếu để ý, ngay từ trong những ngày của tháng Tám, người hâm mộ tại một số quốc gia đã được nghe một vài ca khúc trong Tempest: ngày 27-8, ca khúc Duquesne Whistle đã được Đài phát thanh NPR (Mỹ) nói đến và hai ngày sau, trang web Guardian đã đăng clip của bài hát. Ngày kế tiếp, tại tài khoản chính thức của Bob Dylan trên YouTube có đăng một đoạn video của ca khúc này. Cùng ngày, một ứng dụng của điện thoại (Sound Graffiti) được tạo ra để nghe Duquesne Whistle tại một số nơi được quy định ở chín quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Úc, Brazil, Pháp. Riêng tại Pháp, ứng dụng này chỉ hoạt động quanh khu vực cửa hàng Virgin ở đại lộ Champs-Elysées (Paris).
Chỉ sau vài ngày xuất hiện trên iTunes, album Tempest đã được tạp chí âm nhạc danh tiếng Rolling Stone bình luận: “Dylan xứng đáng là đỉnh cao nhất của đỉnh cao. Ông hát như chơi, cợt nhả với từng câu chữ, không câu nệ hình thức, thỉnh thoảng lại chêm vào lối nói rất phố chợ, đời thường, không khác gì một tay rapper thứ thiệt”. Hành trình giới thiệu cho album mới này được tiếp tục vào đêm 8-9, khi Bob Dylan ra mắt khán giả tại Uncasville (một thành phố nhỏ gần New York, Mỹ). Trên sân khấu, Bob Dylan đã làm sống lại những giai điệu bất hủ của mình và giành được sự đón nhận cuồng nhiệt của người hâm mộ. Chỉ một ngày sau đó, Tempest được công bố ở Pháp trước khi ra mắt công chúng Mỹ ngày 11-9.
Không có những hoạt động kỷ niệm 50 năm sự nghiệp rầm rộ hay những bữa tiệc sinh nhật hoành tráng như Beach Boys với việc tái hợp để thực hiện một album và chuyến lưu diễn thế giới hay như nhóm The Eagles đang có những kế hoạch dựng lên cột mốc 40 năm hoạt động của họ vào năm 2013, Bob Dylan cứ bình thản tập trung tất cả cho sự sáng tạo của mình cho các tác phẩm mới, không bận tâm đến những sự kiện được xem là “đình đám” trong thế giới âm nhạc, bởi những đóng góp của ông đã được chính những người hâm mộ công nhận. Và người hâm mộ tiêu biểu nhất chính là Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Obama đã từng chia sẻ: “Khi mới 23 tuổi, Bob đã có một chất giọng khỏe khoắn, đặc biệt. Nó được khẳng định qua những ca khúc tuyệt vời về giai điệu, mà còn ở những thông điệp được chuyển tải… Thế giới của tôi đã được mở ra vì trong âm nhạc của ông ấy có điều gì đó thật quan trọng về đất nước này”. Vị tổng thống cho rằng trong lịch sử âm nhạc Mỹ, không có tên tuổi nào phi thường hơn Bob Dylan và thừa nhận ông chính là một người hâm mộ cuồng nhiệt của nghệ sĩ tài năng ấy.
Cũng chính trong lần gặp mặt đó, Bob Dylan đã nhận được huân chương Tự do từ tay người đứng đầu nước Mỹ – phần thưởng cao quý nhất mà nước Mỹ dành cho công dân có đóng góp lớn cho đất nước, với Bob Dylan là những ảnh hưởng sâu sắc đối với nền âm nhạc thế giới và văn hóa Mỹ. Ngoài ra, ông cũng từng được tạp chí Time bình chọn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, được ghi danh tại đại sảnh Danh vọng về dòng nhạc rock & roll, đại sảnh Danh vọng cho các nhà soạn nhạc tại Nashville, đại sảnh Danh vọng dành cho các nhà soạn nhạc, nhận giải thưởng Prince of Asturias trong lĩnh vực nghệ thuật (năm 2007)…
Đã 71 tuổi, nhưng với Bob Dylan, đó chưa phải là lúc nghỉ ngơi. Ông vẫn miệt mài với những chuyến lưu diễn khắp thế giới. Trong thời gian này, ông đang dừng chân tại Mỹ để chuẩn bị cho đợt quảng bá album mới sẽ bắt đầu từ đầu tháng 10 tới. Đối với người nghệ sĩ này, dường như hành trình tìm kiếm đỉnh cao mới trong âm nhạc không có điểm dừng. Ông luôn muốn đưa đến công chúng, những người hâm mộ mình những sản phẩm âm nhạc chất lượng được đầu tư bằng tất cả tâm huyết của mình.
Huyền thoại âm nhạc thế giới Bob Dylan từng biểu diễn một đêm duy nhất tại Đại học RMIT Việt Nam vào ngày 10-4-2011
Bob Dylan là một trong những ca sĩ rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, không chỉ vì những ca khúc đã quá nổi tiếng của ông như: Blowin’in the Wind, The Time They Are a-Changin, Like a Rolling Stone… mà còn bởi Bob Dylan chính là một trong những ca sĩ đã từng đấu tranh không mỏi mệt trong phong trào phản chiến đòi hòa bình cho Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ.
Chính vì vậy, rất nhiều ca khúc của ông trong thời điểm đó được chọn làm bài hát chính cho phong trào yêu chuộng hòa bình.
- Hữu Nhã