Trong các vị lãnh đạo được tổ chức lấy phiếu tín nhiệm có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các cấp phó của các vị trên, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công khai ngay sau đó tại Quốc hội.
Thực ra quyết định lấy phiếu tín nhiệm các lãnh đạo cao cấp đã được toàn thể Quốc hội thông qua trong một nghị quyết hồi tháng 11 vừa qua.
Nghị quyết này cũng đề ra quy trình tự xin từ chức hoặc bị bãi nhiệm cho các quan chức, lãnh đạo cao cấp, tùy vào mức độ tín nhiệm họ đạt được tại Quốc hội. Theo đó, người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để bãi nhiệm.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm, tuy chưa ghi vào Hiến pháp mà chỉ quy định trong một nghị quyết của Quốc hội, cũng được đánh giá là bước tiến gần hơn tới thể chế pháp quyền. Thế nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về tính thực chất của việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Gia Minh tổng hợp