Sống trên đời, bất cứ ai cũng có người không thích mình. Nặng hơn nữa, là có kẻ “thù” mình.
Thương – ghét là tâm lý bình thường của con người, không có người thương hay ghét mới lạ. Bản thân mỗi người luôn có tâm lý khác nhau dành cho ai đó. Ngay cả cha mẹ cũng không thoát khỏi tâm lý này với con cái. Tình thương khó mà đồng đều, nhiều khi hình thành từ lúc con cái còn nhỏ đã thấy thương đứa này nhiều hơn đứa kia, chẳng hạn. Tương tự, không loại trừ anh em trong nhà với nhau.
Ngoài xã hội, mức độ cảm tình càng khác biệt. Có người bị nhiều người ghét, nhưng vẫn không ít người thương. Có người nói thẳng, nhìn tay đó, không ưa nổi rồi, không hiểu sao cô lại thương hắn đến vậy chứ! Nói chung, tâm lý con người không ai giống ai, kẻ thương, người ghét mới làm nên sự đa dạng.
Ông bà xưa có câu đại ý, biết ơn kẻ dữ chớ đừng biết ơn người lành, có thể họ đúc kết từ tâm lý này và khuyên con người không nên bi quan hay ôm hận khi có người đối xử cảm tính thương – ghét với mình quá mức bình thường, có thể gây xáo trộn cuộc sống, thậm chí bị tổn thương…
- Xem thêm: Giao tiếp chân thành: Học cách nói lời từ trái tim với phương pháp “giao tiếp phi bạo lực”
Một anh kể chuyện, hồi mới lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ còn khó khăn phải ở nhờ gia đình bên vợ. Nhà vợ rất lớn lại ngay mặt phố, ông bố vợ vốn hiền tính thích con cái về ở cùng cho vui. Tuy vui vậy, nhưng khi lập gia đình, ông đâu ôm hết chín người con nhân đôi thành mười tám, rồi sinh sôi nảy nở mỗi cặp ít nhất hai con?
Vậy là dần dần, con cái ai có điều kiện thì ra riêng. Anh này mang tâm lý cực chẳng đã mới ở rể nên một năm sau anh có ý định tìm nhà riêng. Vợ chồng mới lấy nhau không nhiều tiền nên tìm hoài mà chẳng có nhà ưng ý.
Một ngày, bố vợ bảo anh là anh Hai mua hai lô đất sát cạnh nhau, có ý định chia cho bố một lô, giá rẻ. Nếu anh đồng ý bố vợ sẽ nhường lại. Anh này nghe vậy mừng lắm.
Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn thì người chị dâu tìm đến nói với anh rằng, lô đất đó là vì tình cảm mới để cho bố, còn anh là đàn ông thì phải biết lo lắng nhà cửa cho vợ con, không thể ỷ lại vào bố vợ mà nhận lô đất ấy được. Anh này gật đầu ngay, biết thân phận mình chỉ là rể và người chị dâu nói không sai, anh phải tự lực lo lắng có nhà riêng chứ không thể dựa vào bố vợ được. Thời gian dần trôi, đôi vợ chồng trẻ cũng mua được một căn nhà nhỏ và ra riêng.
Thời gian nữa, cơ quan anh này có chương trình bán đất trả góp cho cán bộ. Anh mua một lô đất khá lớn ở khu đồng quê, sình lầy. Khi mua, anh không hề nghĩ tương lai mười năm nữa nơi đó sẽ là khu đô thị sang trọng, nhiều người mơ ước như bây giờ. Đơn giản vì anh có một số tiền đặt cọc và tiền trả góp hằng tháng không ảnh hưởng lắm đến chi tiêu gia đình.
Thời gian lững thững trôi. Đến khi khu đô thị mới dần hình thành thì anh đủ tiền xây nhà với điều kiện bán ngôi nhà đang ở. Một ngôi biệt thự khá hoành tráng mọc lên trên lô đất bốn trăm mét vuông. Ngày tân gia, đông đủ các anh em bên vợ đến dự. Anh đọc được một sự không hài lòng trong mắt người chị dâu năm nào, cũng có thể anh mang tâm trạng ám ảnh bởi câu nói năm xưa nên anh thấy điều này chăng?
Anh tâm sự không có ý nghĩ về sự tỵ hiềm, ghen tức, nhất là với anh em trong nhà, nhưng thật là khó quên thái độ của chị dâu thời anh còn tay trắng. Không phải vì mang “mối hận” đó mà anh quyết tâm có ngày hôm nay. Anh khẳng định, đời anh chỉ do may mắn. Nhưng, anh cũng cảm ơn chị dâu vì những lời nói thẳng ấy, nếu anh dựa dẫm, ỷ lại vào bố vợ thì bây giờ anh cũng chỉ có một ngôi nhà chưa đến trăm mét vuông, lại ở một nơi khá xa trung tâm thành phố.
Trong cuộc đời mỗi người, những chuyện tương tự vậy rất nhiều, tùy theo tính chất sự việc. Có người mang nặng mối “tư thù” vì một câu nói không tế nhị của ai đó và phấn đấu, quyết tâm “báo thù”, tuy nhiên đâu phải ai cũng có cơ hội. Có người coi đó là bài học kinh nghiệm – đôi khi xương máu để xử thế. Có người cho qua, chấp nhận mỗi người mỗi tính, có người thích thách đấu nhưng cũng có người luôn dĩ hòa vi quý.
Tuy nhiên, để thấy một điều rằng, những lời góp ý thẳng thắn, nói thật, có thể làm đau lòng nhưng đôi khi là bài học để con người vươn lên, nếu đón nhận một cách bình tĩnh.
Lời khen thật lòng là tốt và là hành vi lịch sự. Đáng sợ nhất là những lời khen có cánh, khen cho chết, mật ngọt chết ruồi là vì thế!