Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tính đến kịch bản đồng nhân dân tệ (NDT) có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1 – 2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%. Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, có thể VND sẽ có mức mất giá từ 2 – 3% cho cả năm nay.
Chính sách tỷ giá của Trung Quốc
Kể từ năm 1994 đến nay, chính sách điều hành tỷ giá của Trung Quốc đã có nhiều lần thay đổi. Cụ thể, năm 1994, Trung Quốc công bố chế độ đa tỷ giá được thay bằng một tỷ giá, chính sách tỷ giá cố định chuyển sang kiểm soát có thả nổi với mức công bố là 8,7 NDT đổi 1 USD. Sau khủng hoảng tài chính châu Á, chính phủ Trung Quốc đã cố định tỷ giá ở mức 8,27 NDT/USD trong suốt tám năm (đến tháng 7-2015) nhằm giảm những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này tới tình hình trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu, tạo thặng dư thương mại.
Ngày 21-7-2005, Trung Quốc lại tiếp tục đưa vào một chính sách tiền tệ mới. Theo đó, giá trị đồng NDT sẽ được tham chiếu với một rổ gồm nhiều đồng tiền khác theo quy luật cung cầu của thị trường với biên độ dao động hằng ngày là 0,3% (được nâng lên 0,5% vào năm 2007).
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây nên một cơn chấn động trên toàn thế giới, buộc Trung Quốc phải giới hạn phạm vi dao động của NDT và giữ ở khoảng 6,84 NDT đổi một USD trong vòng hai năm, đồng thời quay trở lại định giá NDT theo USD. Đến ngày 19-6-2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới khởi động lại các cuộc cải cách nhằm vào tỷ giá đồng NDT nhằm làm dịu căng thẳng với nhóm nước G20 khi thặng dư thương mại của Trung Quốc liên tục tăng mạnh. Theo đó, tỷ giá hối đoái của NDT so với USD tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vào năm 2015, trong ba ngày từ 11 đến 13-8-2015, PBOC đã liên tiếp hạ giá đồng NDT, trước khi tăng trở lại vào ngày 14-8.
Mục đích phá giá lần này của Trung Quốc được xem là giúp đồng NDT phản ánh sát hơn và linh hoạt hơn với diễn biến cung cầu thực tế trên thị trường, qua đó giúp NDT được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF trong kỳ đánh giá vào tháng 11-2015. Từ đầu năm 2017 đến tháng 4-2018, NDT liên tục lên giá do xu hướng yếu đi của USD trên thị trường thế giới, nhưng kể từ giữa tháng 4-2018 cho đến nay, NDT đã và đang có đợt giảm giá rất mạnh do dòng vốn nước ngoài có xu hướng rút ra khỏi các thị trường mới nổi và đặc biệt là rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Đồng nhân dân tệ giảm giá bao nhiêu là đủ?
Trong vòng hơn ba tháng qua, đồng NDT đã giảm giá gần 10%, trở thành một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong nhóm các thị trường mới nổi. Nhiều yếu tố rủi ro cộng hưởng đã khiến NDT lao dốc chỉ trong một thời gian ngắn. Câu hỏi đặt ra là sau khi đã giảm gần 10%, liệu NDT có còn giảm mạnh tiếp hay không?
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, NDT hiện đang giao dịch quanh mốc 6,82 NDT/USD. Tính toán của Bloomberg dựa trên 17 nhân tố như năng suất lao động, tăng trưởng tín dụng, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng GDP… cho thấy, nếu tính từ mốc 2013 cho tới nay thì đồng NDT hiện đang được định giá cao hơn khoảng 8% so với giá trị thực, đồng nghĩa giá trị hợp lý của NDT có thể sẽ ở khoảng 7,3 NDT/USD. Cho dù kết quả tính toán giá trị thực của đồng tiền này theo Bloomberg là hoàn toàn đúng thì cũng rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ để đồng nội tệ của mình tiếp tục lao dốc trong ngắn hạn.
Lý do là hiện Trung Quốc là nước đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, đồng NDT cũng đã vào rổ tiền tệ của IMF còn Mỹ thì luôn cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ nên Trung Quốc hiện có rất ít động cơ phá giá mạnh NDT để hỗ trợ xuất khẩu. Việc giảm giá NDT vừa qua chủ yếu do diễn biến cung cầu thực tế trên thị trường chứ không xuất phát từ động thái phá giá chủ động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Một cách tiếp cận khác là những rủi ro liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tính đến thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa mà Tổng thống Mỹ Trump dự định áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là 250 tỉ USD (áp mức thuế 25% lên 50 tỉ USD trong vòng đánh thuế đầu tiên và 10% lên 200 tỉ USD bắt đầu từ tháng 9 tới).
Tổng mức thuế áp dụng sẽ có giá trị khoảng 33 tỉ USD, đồng nghĩa với tổng giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ đắt hơn khoảng 33 tỉ USD so với trước khi có thuế. Để trung hòa rủi ro này và giữ nguyên mức giá của hàng xuất khẩu vào Mỹ như cũ thì đồng NDT cần giảm giá khoảng 1,4%. So sánh với mức mất giá khoảng 8% kể từ khi rủi ro thương mại leo thang thì đà lao dốc vừa qua của nhân dân tệ đã có phần thái quá.
Tại Việt Nam, ứng phó với biến động của đồng NDT gần đây, NHNN cũng đã có những động thái điều hành linh hoạt. Sau khi bán ra USD nhằm bình ổn thị trường kể từ ngày 3-7 (ước tính NHNN đã bán ra khoảng 2 tỉ USD), ngày 23-7 vừa qua, NHNN đã tăng mạnh trở lại giá bán ra USD (thêm 223 đồng, tương đương 0,9%). Đây là tín hiệu cho thấy NHNN quyết định tạm thời dừng việc bình ổn thị trường bằng cách bán ra USD với giá thấp.
Động thái mới nhất của NHNN được đánh giá là nhằm mục đích đưa giá tỷ giá về đúng diễn biến của thị trường, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa có động thái can thiệp chính thức nhằm chặn đà rơi của đồng NDT. Nhiều khả năng NHNN đang tính đến kịch bản chủ động đi trước một bước để VND giảm giá thêm khoảng 1%.