Trong báo cáo mới công bố, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service đánh giá khả năng sinh lời của các ngân hàng Việt Nam sẽ mạnh hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản.
Nhà phân tích của Moody’s Rebaca Tan đánh giá tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn mức sinh vốn nội bộ nên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn. Không như các ngân hàng tư nhân, các ngân hàng nhà nước vẫn còn chậm trong đẩy mạnh huy động vốn khiến tỷ lệ vốn càng giảm. Trong bối cảnh đó, tình trạng suy giảm nguồn vốn sẽ làm yếu đi khả năng cạnh tranh cũng như hồ sơ tín dụng của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.
Tỷ suất sinh lời trung bình của tài sản cố định hữu hình (ROTA) tại các ngân hàng Việt Nam đã tăng lên 0,97 % trong năm 2017 từ 0,7% trong năm 2016; trong khi tỷ lệ nợ xấu liên quan đến tài sản đảm bảo giảm xuống 4,7% vào cuối năm 2017, từ 5,9% của năm trước đó. Moody’s dự đoán các chỉ số lợi nhuận và chất lượng tài sản sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018-2019, mặc dù tăng trưởng tín dụng nhanh ở mức 21% trong năm 2017 có thể che lấp rủi ro tài sản.
Các ngân hàng đã tăng cường cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bởi những khoản cho vay này thường có lãi suất tương đối cao. Việc các ngân hàng chuyển dần xu hướng cấp tín dụng cho các thành phần khác thay vì tập trung vào doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là điểm tích cực.
Tuy nhiên, nguồn vốn nội bộ sẽ không đủ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng hiện nay và các ngân hàng Việt Nam sẽ cần huy động thêm 7 tỉ USD để đạt tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hiện nay.
Nếu không có vốn bổ sung từ bên ngoài, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 từ mức 9,4% thời điểm cuối năm 2017, trong khi các ngân hàng quốc doanh được xếp hạng sẽ giảm còn 6,1% từ con số 6,9% trong cùng giai đoạn.
Riêng đối với khối ngân hàng tư nhân, những quan ngại này phần nào giảm nhẹ do khu vực này đã tích cực tăng vốn thông qua hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu mới thành công trong năm 2017.
Ngược lại, các ngân hàng quốc doanh còn khá chậm chạp trong việc huy động nguồn vốn bên ngoài ngay cả khi tỷ lệ vốn đang giảm, chủ yếu vì mong muốn tìm được các nhà đầu tư chiến lược hơn. Tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) giảm còn 6,89% vào cuối năm 2017 từ mức 6,92% một năm trước đó. Và có thể tiếp tục suy yếu nếu các ngân hàng không tăng vốn.
Theo Moody’s, với mức đệm vốn lớn hơn, các ngân hàng tư nhân có thể tăng cường đầu tư nhằm thúc đẩy kinh doanh tạo ra lợi nhuận cao hơn và củng cố nguồn vốn nội bộ. Ngược lại các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt vốn dẫn tới cản trở tăng trưởng, tốc độ sinh vốn nội bộ thấp hơn và cuối cùng là khả năng cạnh tranh yếu hơn so với ngân hàng tư nhân.