Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, bệnh trầm cảm là nguyên nhân tử vong của khoảng 850.000 người trên thế giới đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống của rất nhiều người khác.
Hiện nay, theo ước tính, có khoảng 3% đến 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt và người có nguy cơ mắc bệnh cả cuộc đời là 15 – 25%. Dự tính đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh phổ biến thứ hai toàn cầu với khoảng 121 triệu người mắc bệnh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng nhanh qua các năm qua, tập trung ở các thành phố lớn, nơi con người thường xuyên chịu áp lực của những công việc cường độ cao, những lo âu thường trực mà các mối quan hệ ngày càng kém bền vững. Buổi trò chuyện với bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta có những kiến thức và những định hướng đúng để phòng tránh căn bệnh này.
Thưa bác sĩ, vì sao số lượng người bị bệnh trầm cảm đang gia tăng rất nhanh nhưng số lượng người được điều trị chỉ khoảng 25% và đa số bệnh nhân bị bệnh kéo dài?
Đầu tiên, các bác sĩ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn thế giới khá khó khăn trong nhận định bệnh nhân có bị trầm cảm hay không. Kết quả từ một nghiên cứu của các bác sĩ tâm thần học ở Bệnh viện Đa khoa Leicester (Anh) cho thấy, các bác sĩ thường chỉ chẩn đoán đúng khoảng 50% người bị bệnh trầm cảm. Thứ hai, theo một quan niệm sai lầm của người Việt, người đến bệnh viện tâm thần sẽ bị người khác nhìn bằng một ánh mắt nghi ngại, dò xét. Do đó, thay vì đến bệnh viện tâm thần, người bệnh sẽ cố chịu đựng, đến các bác sĩ không đúng chuyên khoa hoặc nhờ cậy các chuyên gia tư vấn tâm lý. Thứ ba, ngay cả khi được chẩn đoán là trầm cảm, nhiều bệnh nhân vẫn không tuân thủ hoặc tuân thủ kém việc điều trị, có thể do ngại thành kiến hoặc họ không thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu không được điều trị tốt.
Một số người có thể vượt qua nếu chỉ ở mức độ sơ khởi và cần có sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh, nhất là bạn bè, người thân. Trầm cảm thường bắt đầu từ tình trạng stress trong cuộc sống hằng ngày, nếu không giải tỏa kịp thời mà để stress kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn lo âu và trầm cảm nặng. Một cá nhân không có sự hỗ trợ của các mối quan hệ xung quanh rất khó thoát ra khỏi trầm cảm vì bệnh thường kết hợp với những rối loạn lo âu như các loại rối loạn ám ảnh, rối loạn ăn uống, khó kiểm soát xung động hành vi dẫn đến lạm dụng và lệ thuộc thuốc gây nghiện, rượu, nảy sinh ý tưởng và hành vi tự sát. Một số trường hợp đau nhức nửa đầu, đau nhức cơ và hội chứng kích thích ruột cũng là những biểu hiện của trầm cảm. Tôi nhận thấy hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện chúng tôi đều đã ở tình trạng bệnh khá nghiệm trọng.
Phần lớn người mắc bệnh trầm cảm tập trung ở các thành phố lớn. Hẳn nguyên nhân của bệnh là do áp lực công việc, môi trường ô nhiễm và các mối quan hệ cá nhân dễ rạn nứt?
Yếu tố di truyền thường được lưu ý nhất. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng không kém là môi trường áp lực cuộc sống hằng ngày và nhiều trường hợp trầm cảm đi kèm với các bệnh lý tâm thần và bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp hay sau đột quỵ… Càng tự ti, dễ bị môi trường tác động, bi quan thì càng dễ bị trầm cảm. Ngoài ra, những yếu tố khách quan như các mối quan hệ gia đình, tình yêu, kỳ vọng vào sự nghiệp, học vấn… cũng là nguyên nhân gây bệnh đáng kể. Những người mà trạng thái tâm lý, trạng thái tâm thần và thần kinh dễ bị tổn thương dễ mắc bệnh trầm cảm. Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Marianna Virtanen (Phần Lan), người làm việc trên 11 giờ/ngày sẽ có nguy cơ bị trầm cảm nặng cao gấp 2,5 lần so với người làm việc từ 7-8 giờ/ngày. Nghiên cứu của bác sĩ Turami (Nhật) cũng cho thấy, thời gian làm việc càng kéo dài thì tỷ lệ bệnh trầm cảm và bệnh tim mạch càng cao.
Như vậy, một người có gen di truyền quy định bệnh trầm cảm thì trước sau gì cũng bị bệnh?
Không đúng. Bằng cách tập luyện hằng ngày để có một tinh thần lạc quan, tự tin đồng thời thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững sẽ giúp hạn chế tối thiểu việc phát triển mầm mống trầm cảm.
Phải chăng bệnh trầm cảm chỉ xuất hiện ở người trưởng thành, đúng như thông tin mà một số sách báo vẫn đăng tải?
Không hoàn toàn đúng. Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường ở nhiều độ tuổi khác nhau, với những biểu hiện dễ thấy nhất là luôn cảm thấy chán nản, lo lắng và không còn cảm thấy hứng thú đối với những hoạt động mà trước kia mình ưa thích. Ngoài ra, còn một số biểu hiện khác như: sụt cân hay tăng cân bất thường do ăn uống không điều độ, mất ngủ (đôi khi ngủ quá nhiều), thường xuyên bồn chồn, dễ nổi giận, cảm thấy bản thân vô giá trị, không thể tập trung suy nghĩ, thường xuyên nghĩ đến cái chết…
Trầm cảm xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ em và thiếu niên thường khi bị những sang chấn tâm lý, rối loạn cảm xúc gây nên những tổn thương về tâm lý, tình cảm, tự làm hại bản thân, khả năng tự sát cao nếu không điều trị sớm. Ở phụ nữ, nguy cơ bị bệnh trầm cảm gấp hai lần nam giới, có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là trong các giai đoạn tiền kinh nguyệt, hậu sản, mãn kinh. Tỷ lệ trầm cảm ở đàn ông thấp hơn ở phụ nữ nhưng tỷ lệ đàn ông tự tử nhiều hơn, do đàn ông bị trầm cảm uống rượu nhiều hơn, dễ gây hấn, khả năng chịu đựng lại kém. Nguyên nhân trầm cảm của đàn ông chủ yếu liên quan đến yếu tố sự nghiệp và gia đình. Ở người cao tuổi, bệnh tật do quá trình lão hóa và cô đơn là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm. Ngoài ra, đa số người đang bị bệnh nặng thường bị trầm cảm kéo dài.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 2,2 lần so với người bình thường. Trầm cảm từ vừa đến nặng làm tăng xác suất tử vong do tim mạch lên đến gần 70%. Thậm chí bệnh nhân tim mạch bị trầm cảm nhẹ có xác suất tử vong tăng 38% so với bệnh nhân không trầm cảm.
Với một căn bệnh nguy hiểm như vậy thì chúng ta nên phòng ngừa bằng cách nào?
Mỗi người nên mở lòng để có nhiều mối quan hệ tốt đẹp đồng thời phải tự rèn luyện để ngày càng dễ thích nghi với môi trường sống, tin yêu vào cuộc đời. Xây dựng sự cân bằng đúng mức về tinh thần, để có thể đương đầu và giải quyết một cách có hiệu quả những xung đột nội tâm của chính bản thân mình và những xung đột về tâm lý đối với những người khác, tăng khả năng kháng cự trước áp lực trong cuộc sống. Một điều quan trọng không kém là phải phòng ngừa rối loạn trầm cảm bằng cách phát hiện những người có nguy cơ trầm cảm càng sớm càng tốt, chẩn đoán sớm và điều trị hữu hiệu tại bệnh viện và phòng ngừa tái diễn. Muốn như vậy, những cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phải tìm ra những người có nguy cơ bị trầm cảm càng sớm càng tốt và hỗ trợ gia đình người bệnh chăm sóc bệnh nhân, thiết lập chữa trị hữu hiệu và giúp những bệnh nhân bị trầm cảm để phòng ngừa tái phát bệnh.
Nhiều người cho rằng việc điều trị trầm cảm không cho hiệu quả triệt để, trên thực tế thì như thế nào thưa bác sĩ?
Nếu được điều trị sớm và đúng cách thì tỷ lệ chữa trị ổn định lên đến 70 – 80%. Do đó, bản thân người bệnh nên tự nguyện đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và chữa bệnh càng sớm càng tốt. Sự thật trầm cảm không thể tự chữa khỏi chỉ bằng vài lời khuyên, các bài tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống mà cần điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với liệu pháp tâm lý. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân hãy đến bệnh viện tâm thần hoặc các chuyên khoa tâm thần ở các bệnh viện. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa chuyên khoa tâm thần và thần kinh, nên khá nhiều bệnh nhân trầm cảm tìm đến các bác sĩ nội thần kinh và các bác sĩ không đúng chuyên khoa khác. Sự nhầm lẫn đáng tiếc dẫn đến thời gian điều trị kéo dài mà không đạt hiệu quả.
Thuốc chống trầm cảm có rất nhiều loại với cơ chế tác dụng khác nhau, không phải là thuốc ngủ và không gây nghiện. Do đó, người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà phải có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chỉ phát huy tác dụng đầy đủ sau 3-6 tuần điều trị liên tục, do đó không nên thay đổi liều hoặc đổi loại thuốc khác quá sớm trước thời gian này. Sau khi triệu chứng bệnh đã giảm bớt, cần tiếp tục uống thuốc trong thời gian tối thiểu là sáu tháng nữa.
Liệu pháp tâm lý giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, cá nhân với gia đình… sẽ giúp người bệnh thích ứng được với đời sống xã hội, giúp họ tuân thủ điều trị và ngừa tái phát. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp tâm lý rất hiệu quả trong phòng ngừa tái diễn, đặc biệt là liệu pháp nhận thức hành vi. Sự phối hợp liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý sẽ có lợi cho các bệnh nhân trầm cảm mức độ trung bình.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện này.